Ninh Hải: Đào tạo lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững

Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương, những năm qua huyện Ninh Hải đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương.

Hai năm trở lại đây, kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Khánh Băng, thôn Phương Cựu 2, xã Phương Hải (Ninh Hải) dần ổn định hơn, kể từ khi chị được giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH Innoflow NT, xã Lợi Hải (Thuận Bắc). Với thu nhập ổn định khoảng 5,5-7 triệu đồng/tháng tại công ty giúp chị có thêm nguồn thu nhập phụ giúp bố mẹ chăm lo gia đình. Chị Khánh Băng chia sẻ: Năm ngoái tôi đăng ký học lớp may công nghiệp do UBND xã phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học tôi có thêm kinh nghiệm, kỹ năng về nghề may, tự tin thử việc và được nhận vào làm tại Công ty TNHH Innoflow NT. Lớp đào tạo nghề không những mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho tôi mà còn giúp tôi được gặp gỡ các học viên khác có chung định hướng về nghề nghiệp, góp ích rất nhiều cho công việc của tôi sau này. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người tận dụng được cơ hội tốt từ các lớp dạy nghề để có công việc ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Để giúp nhiều người tận dụng được “cơ hội” tốt từ các lớp dạy nghề như chị Nguyễn Thị Khánh Băng, hằng năm, huyện Ninh Hải đều xây dựng kế hoạch, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT tại các xã, thị trấn; đề nghị hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đẩy mạnh công tác tư vấn nhu cầu học nghề và hỗ trợ việc làm của người dân. Với mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, tận dụng lợi thế về tiềm năng thiên nhiên sẵn có của địa phương, huyện Ninh Hải kịp thời xây dựng Đề án Làng văn hóa du lịch Vĩnh Hy, trong đó mở các lớp dạy nghề pha chế, buồng phòng, phục vụ bàn... phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Người dân huyện Ninh Hải tham gia khóa đào tạo nghề lao động nông thôn.

Theo đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND xã Vĩnh Hải tuyên truyền, rà soát nhu cầu người học nhằm bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực thực hiện đề án. Đến nay đã có 35 học viên đăng ký, sẵn sàng tham gia khóa học lớp nghiệp vụ pha chế,... Bằng cách làm đó người lao động được lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình, phát huy được những kiến thức, kỹ năng đã học để áp dụng vào phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với những giải pháp đồng bộ, tích cực từ đầu năm đến nay, toàn huyện mở được 9 lớp đào tạo nghề cho 279 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, với các lớp như: Nghiệp vụ bếp, kỹ thuật nuôi gà thả vườn, nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, nghiệp vụ pha chế,... Qua đó, góp phần vào giải quyết việc làm cho 1.999 người, đạt 66,63% so với kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, lao động trong tỉnh 1.196 người, lao động ngoài tỉnh 784 người, đưa 19 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng. Cùng với việc mở rộng các nghề đào tạo, huyện còn đa dạng hình thức đào tạo từ tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến đào tạo lưu động tại các thôn, khu phố. Không chỉ chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT, huyện còn quan tâm hỗ trợ các chính sách về tín dụng, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện tạo điều kiện cho 217 lao động vay vốn từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm.

Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Ninh Hải đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người lao động, từng bước giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương, giai đoạn 2021-2023, toàn huyện giảm được 2,55% hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm được 1,28% (vượt kế hoạch đề ra); đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 4,89% xuống còn 2,34% vào cuối năm 2023. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT, lao động là người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.