Tự hào khi làm báo Đảng

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, một số đồng nghiệp, bạn đọc thân quen gặp nhau ôn lại chuyện nghề khi còn làm báo Đảng.

Đã hơn 30 năm gắn bó với nghề làm báo Đảng bộ tỉnh. Chừng ấy thời gian để có thể tự rút ra những bài học sâu sắc về làm báo Đảng địa phương.

Bài học đầu tiên khi bước vào nghề, Tổng Biên tập đã căn dặn rằng, làm gì thì làm nhưng phải luôn nhớ tôn chỉ, mục đích của tờ báo Đảng bộ tỉnh: Đó là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ; là tiếng nói của chính quyền và là diễn đàn của nhân dân. Do đó, tờ báo phải bảo đảm tính Đảng, tính chân thật và tính quần chúng, đưa đến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những thông tin có chất lượng cao nhất, chính xác nhất, nhanh nhất và kịp thời nhất. Quán triệt tinh thần ấy, mỗi khi định viết bài, đi cơ sở để thu thập tư liệu cho bài viết bao giờ tôi cũng nghĩ đến viết cho ai, viết để làm gì, viết vì mục đích gì... Từ đó chuẩn bị kỹ càng các câu hỏi cần thiết cho bài báo của mình để đặt ra cho cơ sở, vừa tránh lan man, vừa không “lệch” tôn chỉ, mục đích của báo. Tổng Biên tập tôi thời ấy là người rất nghiêm cẩn khi duyệt đăng trên mỗi số báo. Yêu cầu của Tổng Biên tập là mỗi bài báo chí ít cũng phải mang “hơi thở” từ chính cuộc sống, nói rộng hơn là tác động từ chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chỉ đạo thực hiện của các cấp, ngành địa phương... đến với thực tiễn cuộc sống đem đến hiệu quả ra sao. Muốn vậy, đòi hỏi phóng viên phải năng động, sâu sát với thực tế, gắn bó với thực tế, lắng nghe thông tin nhiều chiều, chắc lọc thông tin để hình thành nên tác phẩm báo chí vừa đúng, vừa trúng. Tổng Biên tập thường dặn dò cánh phóng viên trẻ chúng tôi thời ấy: Làm báo Đảng phải thực hiện tốt nhất chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận, bằng tin tức, sự kiện. Mỗi tác phẩm báo chí còn phải mang tính chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho những chính sách, đường lối ấy trở thành hiện thực trong cuộc sống; và chính thực tiễn cuộc sống mới là chất liệu sinh động, là nguồn đề tài phong phú, vô tận, là những chất liệu tươi sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng... Chính vì lẽ đó nên Tổng Biên tập luôn ưu tiên cho những bài báo có thông tin đa chiều, có lập luận chắc chắn, sắc sảo trước vấn đề còn vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân, gợi mở hướng khắc phục nếu có. Ngược lại những bài báo nội dung “vô thưởng vô phạt”, “nhìn” chưa ra vấn đề mà thực tiễn yêu cầu... thì khó có thể được đăng báo.

Qua công tác ở cơ quan báo Đảng giúp tôi nhận ra rằng: Làm báo Đảng đòi hỏi phải có chuẩn mực cao hơn, mà trước hết mỗi bài báo, mỗi số báo phải thể hiện được tính Đảng, tức là phải có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa định hướng theo quan điểm của Đảng; mọi sự kiện đưa lên mặt báo phải đúng, phải được kiểm chứng, cái gì có lợi cho lợi ích chung của địa phương, đất nước thì đưa, cái gì không có lợi thì không đưa... Nhà báo lão thành Hữu Thọ từng tâm sự rất chí lý: Mỗi nhà báo có thể viết một bài báo hay, nhiều bài báo hay, có tác động đối với dự luận xã hội. Nhưng điều quan trọng đối với mỗi tờ báo, mỗi nhà báo là sự tin cậy, quý mến của độc giả. Sự tin cậy, quý mến đó được hình thành từ phẩm chất chính trị, năng lực và đạo đức, thể hiện trong các tác phẩm và trong giao tiếp xã hội của người làm báo... Làm báo trước hết là làm chính trị, mỗi dòng tin, bài báo viết ra phải từ trách nhiệm góp phần vào sự ổn định và phát triển của quê hương, đất nước. Nhà báo phải là người có cái tâm trong sáng, cuộc sống mẫu mực; là người hiểu sâu sắc và thực thi theo pháp luật một cách nghiêm cẩn nhất.

Trong những năm làm báo tôi luôn tâm đắc với lời của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Người làm báo chân chính có trách nhiệm với xã hội, trước hết, phải là người vui với niềm vui của toàn Đảng, toàn dân, trước mỗi thành tựu của đất nước; lo với nỗi lo chung trước mọi thử thách, khó khăn của toàn xã hội... Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn chỉ rõ: Ngay cả những bài đấu tranh chống tiêu cực cũng vẫn đem đến cho công chúng một niềm tin ở sự thật, tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào truyền thống cách mạng và nhân văn của nhân dân ta...

Điều đáng mừng là ngày nay tiếp nối truyền thống, những người làm báo Đảng bộ tỉnh ngày càng trẻ hóa đội ngũ và năng lực hoạt động báo chí, đáp ứng từng bước yêu cầu công nghệ thông tin thời kỳ 4.0. Báo Ninh Thuận và đội ngũ phóng viên luôn bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhân kỷ niệm ngày truyền thống của những người làm báo, mong rằng báo Đảng bộ Ninh Thuận không ngừng phát triển, là niềm tự hào của những người làm báo Đảng, luôn là niềm tin yêu của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.