Những con số xanh
Nắm vững quan điểm TTX là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững của mọi nền kinh tế, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1658/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 882/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030; các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động TTX tỉnh Ninh Thuận, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ theo phân công, lồng ghép trong quá trình xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch của tỉnh có liên quan đến TTX như: Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia; phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững; đồng thời, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với BĐKH, bảo đảm hiệu quả kinh tế - sinh thái, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại... Bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, đã hình thành các mô hình TTX đem lại hiệu quả, thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng cao.
Điện gió Đầm Nại. Ảnh: T.D
Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư và đưa vào vận hành thương mại các nguồn điện (mặt trời, gió, thủy điện) với 57 dự án/3.749,942MW, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước. Ngành năng lượng đóng góp quan trọng, tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần đưa Ninh Thuận là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, đóng góp thu ngân sách và phát triển KT-XH chung của tỉnh, đem lại nhiều ưu điểm trên các lĩnh vực cụ thể như: Các dự án NLTT hoàn thành hòa lưới điện quốc gia, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính với tỷ lệ giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than) góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tỷ trọng năng lượng chiếm 22,2% GRDP, đóng góp 23,5% tổng thu ngân sách; phát huy hiệu quả sử dụng đất và nâng cao giá trị sử dụng đất với diện tích đất khô cằn, hoang hóa, không sản xuất được hoặc phát triển nông nghiệp kém hiệu quả, đưa giá trị sản xuất hằng năm các khu vực này từ khoảng 10 triệu đồng/ha/năm lên khoảng 3,84 tỷ đồng/ha/năm khi chuyển sang sản xuất điện mặt trời.
Ở các lĩnh vực TTX khác, đến cuối năm 2023, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn về môi trường đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý chất thải đạt yêu cầu 100%; độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,11%... Tỉnh đã chủ động xây dựng danh mục những dự án ưu tiên về TTX du lịch, xử lý môi trường, vệ sinh nước sạch nông thôn, giảm nhẹ rủi ro thiên tai thích ứng BĐKH để vận động các nhà tài trợ. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút 26 dự án ODA với tổng vốn 6.299 tỷ đồng, chủ yếu tập trung lĩnh vực thích ứng BĐKH, TTX. Về du lịch, đã thu hút được 11 dự án du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư 11.767,4 tỷ đồng. Chiến lược phát triển TTX, nhất là các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh nói trên là đòn bẩy thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển bứt phá, hiệu quả; đưa Ninh Thuận vào nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong những năm gần đây; tạo động lực lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế khác, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, huy động được nhiều nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quy mô lớn đã và đang đầu tư phát huy hiệu quả, tạo động lực mới, sức bật mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Hướng đến tăng trưởng xanh
Trong chuyến thăm và làm việc tại Ninh Thuận mới đây, bà Myriam Ferran, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quan hệ đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu (EU) cho biết: Việc ứng phó với BĐKH và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh là những vị trí trung tâm trong chiến lược cửa ngõ toàn cầu của EU. Chính vì vậy, EU với các nước G7 đã cùng hỗ trợ lẫn nhau nhằm giúp Việt Nam đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050, hướng đến sử dụng NLTT hiệu quả. Trong bối cảnh của cơ chế về chuyển đổi năng lượng cân bằng nguồn vốn, EU dự kiến hỗ trợ cho Việt Nam lên đến 15 tỷ euro. Chúng tôi xác định tỉnh Ninh Thuận là tỉnh trọng điểm trong hợp tác của EU và Việt Nam, với các lĩnh vực có tác động đến BĐKH cũng như chuyển đổi năng lượng và hướng tới nông nghiệp bền vững.
Theo bà Myriam Ferran, một trong các dự án được đoàn quan tâm và đi khảo sát là dự án Thủy điện tích năng Bác Ái. Đây là dự án thủy điện tích năng đầu tiên của Việt Nam và là biểu tượng trong hợp tác về chuyển đổi xanh và năng lượng giữa EU và Việt Nam. EU và các quốc gia thành viên cam kết cung cấp các khoản vay ưu đãi và trợ cấp để hỗ trợ kỹ thuật cho dự án này nhằm xây dựng thủy điện tích năng đầu tiên ở Việt Nam. Dự án này có công suất 1,2GW, có tác dụng tích cực về mặt sản xuất điện năng và nhiều mặt khác nữa. Tổng cục Quan hệ đối tác quốc tế của EU sẽ phối hợp cùng với các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển trong các lĩnh vực năng lượng sạch, giáo dục, chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường bền vững và đào tạo nghề, đào tạo lao động, góp phần hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận hiện thực hóa chiến lược phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Phát triển TTX thích ứng với BĐKH là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo động lực bứt phá, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của các địa phương; là hướng đi đúng đắn, là xu thế tất yếu trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dự báo nhu cầu năng lượng trong những năm tới ngày càng tăng cao, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, BĐKH ngày càng tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển KT-XH... Từ thực tiễn và kết quả của tỉnh đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định phát triển TTX đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành động lực bứt phá và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bám sát chiến lược, kế hoạch của Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-UBND Kế hoạch hành động TTX tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đề ra đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về TTX, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với trọng tâm là phát triển các cụm ngành kinh tế trọng điểm theo hướng xanh hóa, hướng đến nền kinh tế carbon thấp, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, làm giàu vốn tự nhiên. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại. Cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan. Xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH. Phấn đấu đến năm 2030, mức giảm tiêu hao năng lượng điện để sản xuất ra một đơn vị GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ các nguồn điện NLTT (điện gió, điện mặt trời...) trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 49%...
Xuân Bính