Phước Bình là xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện Bác Ái với gần 300ha sầu riêng, bưởi da xanh, mít, chôm chôm... Trước đây, người dân thường đầu tư máy bơm nước tưới xả tràn cho cây trồng tốn rất nhiều nước. Vài năm trở lại đây, tình hình hạn hán thường xuyên xảy ra, để tiết kiệm nguồn nước, nhiều giải pháp được người dân áp dụng như: Tận dụng địa hình để lấy nước từ trên núi về tưới cho cây trồng bằng hệ thống nước tự chảy và áp dụng các giải pháp tưới phun xoay, nhỏ giọt để duy trì sản xuất trong mùa nắng hạn, nhờ đó nhiều diện tích cây ăn quả không bị thiệt hại.
Ông Ninh Xuân Định ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) đầu tư hệ thống tưới
phun xoay để tưới cho cây trồng trong mùa nắng.
Hiện nay, gần 50% diện tích cây ăn quả ở xã Phước Bình được người dân lắp đặt hệ thống nước tự chảy và tưới phun xoay, nhỏ giọt để tưới cho cây trồng. Mặc dù đang trong mùa nắng hạn nhưng vườn cây ăn quả với diện tích hơn 6 sào của gia đình anh Nguyễn Thành Vũ ở thôn Bậc Rây 2 vẫn phát triển xanh tốt và cho quả sai. Anh Vũ, cho hay: Để có nguồn nước tưới ổn định phục vụ sản suất, gia đình tôi đã đầu tư trên 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun xoay và đường ống lấy nước trực tiếp từ Sông Cái lên tưới cho cây trồng, nhờ đó đảm bảo nguồn nước tưới và giảm được công theo nước. Hiện vườn sầu riêng và bưởi da xanh đang cho trái, gia đình tập trung chăm sóc với kỳ vọng đạt năng suất cao.
Tại xã An Hải (Ninh Phước) hiện nay đã có trên 600 hộ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phục vụ sản xuất 300ha măng tây xanh, hành tím, các loại rau... Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, để có nguồn nước duy trì sản xuất ổn định, gia đình ông Ninh Xuân Định ở thôn Tuấn Tú đã đầu tư trên 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun xoay và tưới nhỏ giọt để tưới cho vườn rau rộng 1ha. Ông Định, cho biết: Trước đây các hộ áp dụng phương pháp tưới xả tràn rất tốn nước và tốn công theo nước, nên chỉ sản xuất được ở quy mô nhỏ. Từ ngày áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giúp việc sản xuất của bà con thuận lợi vì tiết kiệm được nước, tiết kiệm được công theo nước và mở rộng diện tích sản xuất theo quy mô hàng hóa.
Tại huyện Ninh Hải, trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, người dân đã chủ động đào hàng trăm ao chứa nước, khoan giếng, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để duy trì sản xuất. Khu vực hồ Ông Kinh nơi được xem là tâm hạn của xã Nhơn Hải, mặc dù thời gian qua nguồn nước trong lòng hồ đã khô cạn, nhưng nhiều diện tích cây trồng của người dân như: Nho, hành tím, ớt, ngò, dưa hấu... vẫn xanh tốt nhờ sự chủ động trong việc tìm nguồn nước tưới cho cây trồng của người dân ở địa phương. Anh Huỳnh Văn Hải ở thôn Mỹ Tường 1, chia sẻ: Tình hình nắng hạn trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra vào mùa khô nên bà con ở địa phương đã thích ứng và có nhiều cách tìm nguồn nước để duy trì sản xuất. Như gia đình tôi, để có nguồn nước sản xuất 3 sào ớt, tôi đã đầu tư khoan giếng với độ sâu gần 80m, kinh phí trên 50 triệu đồng và đào một ao chứa nước, nhờ đó giúp gia đình duy trì sản xuất các loại rau màu trong điều kiện nắng nóng.
Với sự chủ động của người dân các địa phương trong việc tìm nguồn nước, đầu tư các hệ thống tưới nước tiết kiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp đã giúp các hộ dân có thu nhập ổn định trong mùa nắng hạn.
Kha Hân