Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, huyện Ninh Hải có 1.481 hộ nghèo, chiếm 4,89% và 1.576 hộ cận nghèo, chiếm 5,21% dân số. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Ninh Hải đề ra nhiều giải pháp hiệu quả, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương cơ sở trên địa bàn triển khai thực hiện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo. Theo đó, hằng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Hải đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung phong phú, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Phát động thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” tạo thành phong trào sâu rộng trong nhân dân. Từ Tiểu dự án truyền thông về giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2024, toàn huyện đã tổ chức 22 cuộc đối thoại chính sách cho khoảng 2.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và cộng đồng. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững.
Được tiếp cận vốn vay ưu đãi, phụ nữ thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải nuôi bò sinh sản
vươn lên thoát nghèo. Ảnh: M.D
Để hỗ trợ bà con ổn định phát triển kinh tế, giai đoạn 2021-2023, huyện đã giải quyết cho 956 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ các chương trình vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 38.472 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ 27 dự án, với các mô hình nông nghiệp như: Nuôi bò, dê sinh sản và hỗ trợ ngư lưới cụ, hiện nay các mô hình chăn nuôi và sản xuất đều triển khai thực hiện tốt, một số hộ nuôi bò, dê đã sinh được bê, dê con, dự kiến mỗi hộ tham gia dự án trung bình mỗi năm tăng thu nhập từ 10-20 triệu đồng. Qua đó, giúp hộ vay giải quyết được những khó khăn trong phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, huyện còn thực hiện tốt công tác chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, giúp người lao động, hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận, bổ sung kiến thức, tay nghề. Từ nguồn vốn của các Tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm bền vững, giai đoạn 2021-2024 toàn huyện mở được 26 lớp đào tạo nghề cho 730 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, với các lớp như: Nghiệp vụ bếp, nhân giống lúa, kỹ thuật trồng nấm,... và tổ chức 59 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, thu hút 4.462 lượt người lao động tham dự.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kết quả giảm nghèo của huyện cơ bản đạt được chỉ tiêu đã đề ra, cụ thể: Trong giai đoạn 2021-2024, toàn huyện giảm được 3,45% tỷ lệ hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm được 1,15%, vượt kế hoạch đề ra; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 4,89% xuống còn 1,44% vào cuối năm 2024. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 còn dưới 1%.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết: Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện thời gian qua đã có tác động tích cực về xã hội, nâng cao ý thức người dân trong việc tham gia các phong trào, cuộc vận động, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Để công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt kết quả, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và các chính sách dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Hồng Nguyệt