Nền kinh tế số một châu Âu đứng trước nhiều thử thách

Căng thẳng gia tăng tại các cảng biển Đức khi nhân viên đồng loạt tham gia một cuộc đình công chung vào ngày 17/6 nhằm gia tăng sức ép lên những nhà tuyển dụng trong các cuộc đàm phán lương đang diễn ra.

Người phát ngôn của công ty Port of Hamburg Marketing cho biết hoạt động tại nhiều công ty ở cảng Hamburg sẽ bị đình trệ và gián đoạn, tất cả các bến container đều bị ảnh hưởng, dù dịch vụ khẩn cấp tại chỗ vẫn được đảm bảo.

Ngoài ra, nhân viên của các cảng Bremen, Bremerhaven, Brake và Emden cũng tham gia đình công.

Công nhân làm việc tại nhà máy BMW Group ở Munich, Đức.

Theo công đoàn Verdi, yêu cầu của người lao động bao gồm việc tăng lương ngay lập tức lên mức 3 euro (3,21 USD)/giờ và tăng tiền thưởng theo ca với thời hạn hợp đồng 12 tháng. Đây là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề do lạm phát cao trong những năm gần đây. Theo dữ liệu chính thức, lạm phát ở Đức trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 6,9% và 5,9%.

Hiệp hội Trung ương các nhà vận hành cảng biển Đức đã đề nghị mức tăng 2,5% tiền lương theo giờ và một mức tối thiểu cố định cho các nhóm có lương thấp hơn.

Các cuộc đình công bắt đầu từ ngày 17/6, dự kiến kéo dài khoảng 24 giờ hoặc 48 giờ. Công ty vận tải hàng hải Maersk (Đan Mạch) cho biết các cuộc đình công tại những cảng của Đức sẽ có tác động trên diện rộng đối với mạng lưới của họ, với nhiều chuyến hàng dự kiến bị gián đoạn và trì hoãn.

Trong khi đó, nghiệp đoàn IG Metall cho biết sẽ thúc đẩy tăng lương 7% trong 12 tháng cho hàng triệu công nhân trong các lĩnh vực quan trọng như điện và gia công kim loại, bất chấp tình trạng lạm phát giảm và kinh tế trì trệ. Theo giới lãnh đạo công đoàn, hiện các cuộc thảo luận đang diễn ra tại những chi nhánh địa phương, trước khi được đưa ra đàm phán vào tháng 9/2024.

Yêu cầu về lương của IG Metall, đại diện cho khoảng 3,9 triệu công nhân trong các lĩnh vực từ ô tô đến kỹ thuật điện và cơ khí tại Đức, luôn được theo dõi sát sao vì chúng thường định hướng cho các cuộc đàm phán trong các ngành khác.

Năm 2022, IG Metall đã đạt được mức tăng lương 8,5% trong 2 năm để giúp các công nhân đối phó với tình trạng lạm phát tăng vọt sau cuộc xung đột tại Ukraine (U-crai-na) và các vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan tới đại dịch COVID-19 vốn đẩy giá tiêu dùng tăng cao.

Trong khi đó, lạm phát của Đức ở mức 2,4% trong tháng 5/2024, cao hơn mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Trong khi đó, nền kinh tế Đức đã suy giảm nhẹ vào năm 2023 và dự kiến chỉ tăng trưởng khiêm tốn là 0,3% trong năm nay.

Theo Cơ quan thống kê Liên bang Đức Destatis, lạm phát tại nước này tăng trong tháng 5/2024, do các yếu tố mang tính tạm thời.

Theo số liệu sơ bộ của Destatis, giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong tháng 5/2024 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,2% trong tháng 4/2024 và là lần tăng đầu tiên trong 6 tháng. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm thường biến động, không đổi, vẫn ở mức 3%, dù được dự báo sẽ tăng nhẹ.

Các nhà quan sát cho rằng lạm phát cơ bản tăng chủ yếu là do việc áp dụng giá vé phương tiện công cộng đồng hạng 49 euro (53 USD) vào tháng 5/2023, "bóp méo" sự so sánh giữa các năm.

Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trước đó cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động.

Theo Bộ trưởng Habeck, với việc khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5% nếu đất nước không giải quyết được vấn đề này. Ông cũng cho biết thêm các vị trí việc làm cần tuyển dụng bị trống có thể sẽ tăng lên khi dân số tiếp tục già đi.

Kinh tế Đức đã tăng trưởng nhẹ trong quý đầu tiên của năm nay, đảo ngược tình trạng suy thoái hồi cuối năm ngoái. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng 0,2% trong quý I/2024 so với quý trước đó, thời điểm nền kinh tế giảm 0,5% sau khi đã điều chỉnh số liệu.