Phản ứng bên ngoài BT có phần sôi nổi hơn. Các nhà phân tích cho rằng quyết định mua 3,2% cổ phần của tỷ phú này là một lá phiếu tín nhiệm cho Giám đốc điều hành mới Allison Kirkby, diễn ra chỉ vài tuần sau khi bà tiết lộ kế hoạch hoạt động của công ty.
Trong một tuyên bố ngắn gọn, ông Slim cho biết khoản đầu tư này mang tính chất “tài chính”. Tuy nhiên, động thái của vị tỷ phú này không phải là trường hợp cá biệt. Đây là ví dụ mới nhất về việc một tỷ phú nước ngoài mua lại cổ phần của các ông lớn viễn thông Anh như BT và Vodafone.
Nhà tỷ phú viễn thông Mexico Carlos Slim.
Làn sóng quan tâm tới các công ty viễn thông này đã dấy lên suy đoán rằng những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng của Anh có thể trở thành mục tiêu thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài. Sự quan tâm đó chắc chắn cũng sẽ đặt ra những câu hỏi về việc nó ảnh hưởng như thế nào đến hàng triệu người đang hàng ngày sử dụng các dịch vụ điện thoại và Internet của các công ty viễn thông này.
“Săn hàng giảm giá” là lý do cốt yếu của xu hướng này. Với việc giá cổ phiếu của các công ty viễn thông lớn đang ở mức thấp, những nhà đầu tư nhận thấy đây là cơ hội mua vào cổ phiếu với giá rẻ với hy vọng hưởng lợi từ các kế hoạch phục hồi.
Ông Slim, tỷ phú 84 tuổi, đã cân nhắc thời điểm thực hiện kế hoạch đầu tư một cách thận trọng. Tháng trước, bà Kirkby đã đưa ra kế hoạch tăng gấp đôi dòng tiền của BT, cắt giảm chi phí 3 tỷ bảng Anh (3,8 tỷ USD) và trả nhiều tiền hơn cho các cổ đông dưới dạng cổ tức. Chiến lược thân thiện với nhà đầu tư này đã được "đền đáp" bằng phiên giao dịch tốt nhất của BT trên thị trường trong hơn hai thập kỷ.
Nhưng động thái tương đối bất ngờ của nhà tỷ phú này cũng khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt là với những kết quả đầu tư của ông trong lĩnh vực này trong quá khứ. Ông trước đây đã mua cổ phần trong công ty viễn thông Hà Lan KPN trước khi thực hiện một nỗ lực thâu tóm không thành công. Ông cũng đứng sau những thương vụ thâu tóm thất bại đối với cả Telecom Italy của Italy (I-ta-li-a) và Portugal Telecom của Bồ Đào Nha.
Chuyên gia phân tích Kester Mann tại công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight nói: “Rất có thể đây là một khoản đầu tư chiến lược nhằm tận dụng mức giá cổ phiếu của BT vẫn còn khá thấp. Nhưng đó cũng có thể là bàn đạp để nắm giữ vị thế vững chắc hơn trong công ty".
Slim không phải là tỷ phú nước ngoài duy nhất có tên trong sổ đăng ký cổ đông của BT. Tỷ phú người Pháp Patrick Drahi, người cũng giàu lên từ lĩnh vực viễn thông, đã nắm giữ gần 25% cổ phần của công ty này.
Theo TTXVN