Đồng hành cùng nông dân trồng mía Quảng Sơn chống hạn

Xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) được xem là thủ phủ của vùng nguyên liệu mía của tỉnh với tổng diện tích trên 1.300ha. Trong đó có trên 900ha diện tích trồng mía được Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với người dân.

Từ khi bắt đầu vào niên vụ mía 2023-2024, trong suốt nhiều tháng qua trên địa bàn hầu như không có mưa, cùng với nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến cho nhiều diện tích mía bị khô héo, còi cọc vì thiếu nước, do lưu lượng nước tại các con suối, hồ chứa đang cạn dần. Trước tình hình trên, nhiều nông dân vùng nguyên liệu đã chủ động đào ao, bơm nước để cứu cây mía. Ông Phan Văn Hùng ở thôn Triệu Phong, có hơn 20 năm trồng mía, cho biết: Thời điểm này năm trước lượng nước dồi dào nên tuyến kênh mương chạy dọc ruộng mía của gia đình tôi luôn đầy nước, nhưng năm nay đã hơn 5 tháng từ khi vào vụ trồng mía mới, nắng gay gắt kéo dài và không có mưa nên các con suối đã khô cạn. Hiện tôi đầu tư 4 máy bơm đấu nối đường ống từ kênh mương xa hơn để lấy nước tưới cho mía. Bình thường thời điểm này, mía hơn 5 tháng đã ra lóng và dài được hơn 1m, nhưng nay cây mía chậm phát triển, chỉ ra vài ba lóng vì thiếu nước, vụ mía này coi như năng suất giảm sâu.

Nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) đào ao bơm nước tưới cho mía.

Tương tự ông Hùng, 6ha mía của gia đình ông Nguyễn Truyền, thôn Triệu Phong cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Để nỗ lực cứu đồng mía, ông dựa vào đường ống dẫn nước nối từ kênh Tây tại thôn Thạch Hà được gia đình đầu tư những năm trước và mua mới 5 máy bơm, đào ao trữ nước với tổng kinh phí trên 50 triệu đồng. Ông Truyền, cho biết: Dù bà con đã luân phiên chia sẻ nguồn nước nhưng vẫn không đủ để tưới cho cây trồng. Nước từ các con suối, tuyến kênh mương đổ về chỉ đủ tưới cho phần diện tích nhỏ ở phía thượng nguồn. Các hộ ở xa mương như gia đình tôi ngoài chạy nước ban ngày còn phải “trực đêm” mới có nước vào ao. Ông cũng cho biết, bước vào niên vụ mía 2023-2024, ông ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang, được ứng trước vốn gần 10 triệu/ha để có nguồn kinh phí chăm sóc ruộng mía và sẽ thanh toán sau khi thu hoạch. Nhưng với chi phí vận hành máy dầu quá tốn kém, mỗi tháng chi hơn 5 triệu đồng tiền dầu, nên ông cũng chỉ tưới lướt để giữ cho cây mía không chết, nông dân vẫn đang mong mưa từng ngày để “giải khát” cho cây trồng. Cũng theo ông Truyền, hiện nay, một số hộ dân có ruộng mía nằm gần kênh nước hay ở vùng trũng, vùng đất bằng còn có thể tận dụng nguồn nước, đấu nối máy bơm từ đám ruộng này sang đám ruộng khác để tưới, còn những hộ có ruộng nằm trên đồi, sườn dốc thì rất khó để bơm nước lên. Riêng ông có 2ha mía trồng trên vùng đất cao vì thiếu nước mà cây đang dần chết khô.

Ông Nguyễn Trần Cương, Trưởng trạm Nông vụ số 2 xã Quảng Sơn (thuộc Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang), cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía, mà còn ảnh hưởng đến diện tích trồng mía niên vụ 2023-2024. Đây là nỗi lo của nhiều nông dân, cũng là trăn trở của ban lãnh đạo công ty. Ngay từ đầu vụ, công ty đã có chính sách ứng vốn hỗ trợ diện tích mía có nguồn nước được tưới. Cụ thể, mía tơ với mức 2 triệu đồng/ha, mía gốc 1 triệu đồng /ha. Trong đó nếu mía tơ đạt năng suất trên 80 tấn/ha, mía gốc trên 75 tấn/ha và tưới bổ sung cứu mía đạt năng suất trên 60 tấn/ha nông dân sẽ được hỗ trợ vốn không hoàn lại. Đồng thời, trước tình hình khô hạn hiện nay, để chia sẻ với khó khăn của người dân trồng mía, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây mía trong điều kiện thiếu nước để giảm tối đa thiệt hại; giải ngân, cung ứng kịp thời vốn bơm tưới nước, phân bón, đào ao chống hạn, mía giống để cải tạo lại đất trồng vụ mới nếu người dân có nhu cầu.

Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Hiện tại, mía đang giai đoạn ra lóng, nhưng do thiếu nước đã không đảm bảo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển làm ảnh hưởng đến năng suất, gây ảnh hưởng không nhỏ cho người dân trồng mía tại xã Quảng Sơn. Ngoài một số diện tích có khả năng đào ao tích nước cứu vớt, đa phần các diện tích còn lại đều sử dụng nguồn nước tự nhiên, như khu vực Suối Mây 1, 2, 3, Sông Dầu 2, Lô 20 Sông Dầu với tổng diện tích hơn 300ha đang phải đối mặt với khô héo, còi cọc vì thiếu nước. Để ứng phó lâu dài với khô hạn, địa phương đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; khuyến cáo bà con tưới nước tiết kiệm đảm bảo nước tưới cho cây trồng trong suốt vụ; phối hợp chặt chẽ với các trạm thủy nông đóng trên địa bàn theo dõi, đôn đốc việc điều tiết nước cho phù hợp với từng vùng, xứ đồng. Đồng thời phối hợp với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng cánh đồng mía trên địa bàn nhằm đưa ra giải pháp giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại do khô hạn gây ra.