Là một trong những hộ nghèo ở xã Phước Chính, tháng 10/2023 gia đình chị Chamaléa Thị Hương ở thôn Núi Rây được hỗ trợ chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị với 14 con cừu cái sinh sản và 1 con cừu đực giống. Được cán bộ xã hướng dẫn cách chăm sóc, làm chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi nên đàn cừu của gia đình chị phát triển tốt, đến nay tổng đàn đã tăng lên 22 con, kinh tế được cải thiện, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Chị Hương, chia sẻ: Gia đình tôi rất vui mừng khi được Nhà nước hỗ trợ cừu giống để phát triển chăn nuôi, tạo thêm thu nhập. Cũng như gia đình chị Hương, tháng 7/2023 gia đình ông Katơr Hoi ở thôn Rã giữa, xã Phước Trung đã vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Ông Hoi, cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, bà con có điều kiện phát triển kinh tế nên cuộc sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ trên địa bàn xã ngày càng ổn định.
Gia đình chị Chamaléa Thị Hương ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính thoát nghèo nhờ được hỗ trợ chăn nuôi cừu sinh sản.
Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện Bác Ái đã đầu tư xây dựng trên 40 đập dâng, ao, hồ chứa nước và hệ thống kênh mương đã tạo bứt phá trong phát triển nông nghiệp. Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, đến nay trên địa bàn huyện đã phát triển trên 400 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Bưởi da xanh, bơ, sầu riêng, xoài Đài Loan, xoài Úc, mãng cầu… tập trung ở các xã: Phước Bình, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Thành…
Đến thăm vườn sầu riêng, bưởi da xanh với diện tích hơn 6 sào của gia đình anh Nguyễn Thành Vũ ở thôn Bậc Rây 2, xã Phước Bình được anh cho biết: Nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng và chủ động tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc nên các loại cây trồng của gia đình tôi phát triển tốt. Để có nguồn nước tưới ổn định cho cây trồng, thời gian qua gia đình tôi đã đầu tư trên 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun mưa và đường ống dẫn nước trực tiếp từ Sông Cái lên tưới cho cây trồng, nhờ đó vườn cây ăn trái của gia đình luôn xanh tốt. Hiện vườn sầu riêng và bưởi da xanh đang cho trái, gia đình tập trung chăm sóc với kỳ vọng đạt năng suất và bán được giá cao.
Đồng chí Phạm Phùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình, cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của bà con, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cũng được huyện Bác Ái quan tâm thực hiện, là giải pháp hiệu quả để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, giải quyết việc làm cho cho nhiều lao động nông thôn, nhờ đó giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2023 và quý I/2024, huyện Bác Ái đã kết nối, giới thiệu việc làm cho trên 1.300 lao động, trong đó có 13 người đi xuất khẩu lao động có thu nhập ổn định giúp đời sống của nhiều gia đình từng bước được nâng cao.
Thông qua nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua, huyện Bác Ái đã bố trí hàng trăm tỷ đồng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất... Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 28,45%, giảm 6,36% so với năm 2022.
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết : Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, Huyện ủy tập trung lãnh đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa Bác Ái phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm là: Tăng cường đổi mới, tích cực phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện, đồng thời củng cố, xây dựng mối liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động ở địa phương.
Kha Hân