Theo Sở Công Thương, hiện nay Ninh Thuận là địa phương thuộc nhóm đứng đầu cả nước về phát triển NLTT, đưa vào vận hành thương mại 57 dự án bao gồm các nguồn điện điện mặt trời, điện gió, thủy điện với tổng công suất 3.750MW; trong đó có 11 dự án thủy điện 329,5MW, 11 dự án điện gió 667,25MW, 35 dự án điện mặt trời tập trung 2.467MW và điện mặt trời mái nhà 286,4MW. Tổng sản lượng điện phát năm 2023 trên 7,7 tỷ kWh chiếm 20,57% trong tổng sản lượng điện phát của NLTT cả nước. Đóng góp vào ngân sách 1.031 tỷ đồng (chiếm 26%), giải quyết việc làm cho 4.500 lao động (chiếm 2% số lao động trong 4 ngành quan trọng của tỉnh), đóng góp 2,59/9,4 GRDP của tỉnh. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 11,6%. Những kết quả đạt được trong thời gian qua, đã thể hiện việc chuyển hướng chiến lược sang phát triển NLTT là đột phá là hướng đi đúng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “tăng trưởng xanh”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững.
Nhà máy điện mặt trời Bàu Ngứ xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Ninh Thuận là một trong những tỉnh thuộc vùng xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ cùng với các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Về phân bổ công suất các nguồn điện NLTT theo vùng, địa phương giai đoạn 2023-2030 đối với vùng Nam Trung Bộ được phê duyệt công suất tăng thêm 2.000MW; công suất nguồn điện gió trên bờ đối với Ninh Thuận tăng thêm đến năm 2030 là 554MW với 13 dự án được phê duyệt đưa vào vận hành giai đoạn 2023-2025; công suất nguồn điện mặt trời mái nhà được tăng thêm 21MW. Các dự án điện khí LNG Cà Ná, công suất 1.500MW và 2 nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái (1.200MW), Phước Hòa (1.200MW) được triển khai hoàn thành đưa vào vận hành từ 2029-2030. Ngoài ra, có 2 dự án điện mặt trời Phước Hữu 2, Phước Trung tổng công suất 224MW cũng được triển khai trong thời kỳ trước 2030 nếu thực hiện theo hình thức tự sản, tự tiêu.
Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện Quy hoạch điện VIII và Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, ngành Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII đối với địa bàn tỉnh. Trong đó, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn nhà đầu tư triển khai 6 dự án điện gió tổng công suất 238MW và 3 dự án thủy điện tổng công suất 40MW; dự án điện khí LNG Cà Ná 1.500MW, dự án thủy điện tích năng Phước Hòa 1.200MW. Tập trung phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư liên quan hồ sơ pháp lý liên quan về thẩm định thiết kế, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, quyết định chủ trương đầu tư.. để khởi công đầu tư xây dựng 12 dự án điện gió, 3 dự án thủy điện (tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ) và thủy điện tích năng Bác Ái - giai đoạn 2 trong năm 2024. Tỉnh cũng đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng khung giá mua bán điện gió, điện mặt trời; hỗ trợ giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải (để truyền tải công suất 3 dự án: Điện khí LNG Cà Ná, Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái và Nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa); kiến nghị các cấp liên quan quan tâm hỗ trợ tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho 3 dự án lưới điện truyền tải 500kV đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII.
Điện gió Trung Nam (Thuận Bắc). Ảnh: Anh Tuấn
Theo quy hoạch tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, năng lượng, NLTT chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới; phát triển nguồn năng lượng hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, NLTT tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng động lực; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo phát triển bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh kêu gọi và triển khai đầu tư các dự án năng lượng, NLTT.
Anh Tuấn