Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã chuyển đổi số

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39/2023/NQ-HĐND ngày 12/12/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hợp tác xã (HTX) chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028; ngày 15/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1132/KH-UBND thực hiện nội dung nêu trên.

Mục đích của kế hoạch hướng đến hỗ trợ các DNNVV, HTX đẩy nhanh CĐS, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GRDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp (DN) số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh; 100% DNNVV, HTX đang hoạt động được nâng cao nhận thức về CĐS. Đồng thời tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ cho các DNNVV, HTX trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong thời gian tới.

Để thực hiện tốt, có hiệu quả kế hoạch đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng quản lý nhà nước, xác định các yêu cầu, nội dung CĐS cụ thể trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh theo đặc thù từng ngành, lĩnh vực, địa phương, tìm hiểu, giới thiệu các giải pháp CĐS chuyên ngành, để tư vấn, hỗ trợ DN thuộc quản lý của ngành, địa phương. Trong đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công để bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ DN, HTX CĐS đảm bảo theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 39/2023/NQ-HĐND ngày 12/12/2023 của HĐND tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ DNNVV CĐS từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trong dự toán ngân sách hằng năm, gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh gửi về Bộ Tài chính theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện. Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm về phát triển DN, HTX; tổ chức triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về CĐS cho DN, HTX. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các sở, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện; định kỳ tham mưu sơ kết, đánh giá hiệu quả của việc tổ chức thực hiện.

Công nhân Công ty TNHH Linh Đan phân loại sản phẩm măng tây xanh. Ảnh: V.Nỷ

Các đơn vị: Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và ngân sách của trung ương hỗ trợ DNNVV, HTX để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí thường xuyên để triển khai thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và Liên minh HTX tỉnh xây dựng, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ DNNVV, HTX CĐS từ nguồn ứng dụng công nghệ thông tin ngân sách địa phương trong dự toán ngân sách hằng năm. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan báo, đài phát thành và truyền hình đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ DNNVV, HTX CĐS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn năm 2024-2028. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ số, lồng ghép các hoạt động của kế hoạch với các kế hoạch, chương trình CĐS khác của bộ, ngành trung ương, tạo điều kiện cho các DN công nghệ hoàn thiện giải pháp và phát triển.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và Liên minh HTX tỉnh xây dựng, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ thu hút DN công nghệ số từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ ngân sách địa phương trong dự toán ngân sách hằng năm. Căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng nhu cầu hỗ trợ tư vấn giải pháp CĐS cho DN từ nguồn kinh phí sự nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin ngân sách của tỉnh. Chủ trì triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các DNNVV, HTX; hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ DN, HTX áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng. Hướng dẫn, hỗ trợ DN, HTX đổi mới, cải tiến công nghệ thuộc các loại hình công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, tham gia nghiên cứu sáng chế công nghệ cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh; chuyển giao ứng dụng các đề tài, phát minh, sáng kiến,... đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công. Hướng dẫn hỗ trợ DN, HTX đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến trong sản xuất, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch; trong đó, ưu tiên các giải pháp, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của DNNVV, HTX là sản phẩm tiêu biểu, chủ lực, thế mạnh của tỉnh.

Sở Công Thương căn cứ tình hình thực tế của DNNVV, HTX xây dựng nhu cầu về hỗ trợ phát triển thương mại điện tử từ nguồn kinh phí sự nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin ngân sách của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và Liên minh HTX tỉnh tổng hợp nhu cầu, tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh hằng năm để hỗ trợ cho DN, HTX theo quy định. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ DN, HTX CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại theo phân công.

Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nội dung kế hoạch; nghiên cứu xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về hỗ trợ DNNVV, HTX CĐS trên địa bàn tỉnh. Liên minh HTX tỉnh xây dựng nhu cầu hỗ trợ tư vấn giải pháp CĐS cho HTX từ nguồn kinh phí sự nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin ngân sách của tỉnh. Hằng năm, chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch hỗ trợ HTX. Chủ trì đánh giá, lựa chọn các HTX có đủ năng lực, cam kết CĐS để tham gia.

Các Hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thành lập và tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh; tuyên truyền phổ biến đến hội viên về các nội dung, chính sách; thực hiện việc kết nối cộng đồng DN; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của DN, kiến nghị với UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để kịp thời tháo gỡ, tạo môi trường tốt nhất cho DN hoạt động và phát triển.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ DN, HTX CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại; tổng hợp nhu cầu hỗ trợ DN, HTX theo các nội dung của kế hoạch. Tổ chức thực hiện các hoạt động kết nối giao thương hợp tác giữa các DN trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; tìm kiếm thị trường trong nước và ngoài nước, mở rộng cơ hội hợp tác liên kết cho các DN, HTX. Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; kết nối kinh doanh, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc thù của tỉnh trên nền tảng số.