Quan tâm đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Thực hiện chính sách đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN), những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp trong định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm (GTVL) cho BĐXN. Qua đó, giúp nhiều BĐXN được học nghề, tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có trên 1.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Lực lượng này đã được rèn luyện trong môi trường quân đội nên có tính tự giác, kỷ luật, đây được xem là lực lượng lao động có chất lượng nếu được qua trường lớp đào tạo sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Để thực hiện tốt công tác ĐTN cho BĐXN, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, của địa phương với công tác ĐTN, giải quyết việc làm. Đồng thời, thường xuyên thu thập, cập nhập, thông tin kịp thời, đầy đủ về thị trường lao động, việc làm; kết nối, tư vấn, GTVL cho bộ đội vào làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách ĐTN, hỗ trợ giải quyết việc làm, gắn ĐTN với việc làm; đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Là một trong những số BĐXN đang theo học ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, anh Nguyễn Trung Nguyên, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho hay: Sau khi xuất ngũ, tôi đăng ký học nghề lái xe tại Trung tâm. Trong quá trình học được các thầy quan tâm hơn và GTVL sau khi hoàn thành khóa học, nên tôi cũng yên tâm không phải lo tìm kiếm việc làm. Còn anh Nguyễn Quang Khánh, xã Xuân Hải (Ninh Hải) sau khi xuất ngũ cầm tấm thẻ học nghề trong tay anh đăng ký học nghề lái xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ của Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Anh Khánh chia sẻ: Trong quá trình tại ngũ, tôi được đơn vị tư vấn một số nghề nghiệp phù hợp với trình độ của mình, nên tôi đăng ký học lái xe. Mong muốn sau khi học xong sẽ tìm được công việc làm ổn định.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: X.Bính

Ông Trần Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận cho biết: BĐXN khi trở về địa phương đến với Trung tâm hầu hết là học lái xe. Với tấm thẻ học nghề trị giá bằng 12 tháng lương cơ sở do quân đội cấp, học viên có thể học bằng lái xe B2, C. Chỉ tính riêng trong năm 2023, có 233 học viên học tại Trung tâm là BĐXN. Các học viên là BĐXN sau khi học xong nếu chưa có việc, Trung tâm sẽ giới thiệu vào làm việc cho một số hãng taxi trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chính sách ĐTN, giải quyết việc làm cho BĐXN trên địa bàn tỉnh đang được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đã giúp cho nhiều BĐXN có việc làm ổn định. Chỉ tính riêng năm 2023, BĐXN được học nghề theo Quyết định số 82/QĐ-UBND tỉnh ngày 18/9/2018, đã ĐTN cho 275 học viên; tư vấn, GTVL cho 369 BĐXN làm việc tại các doanh nghiệp, đi xuất khẩu lao động... đã giúp cho nhiều BĐXN có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, công tác ĐTN cho BĐXN vẫn còn khó khăn như: Thẻ học nghề chỉ có thời hạn 12 tháng muốn theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng thì không học được; mức hỗ trợ cho BĐXN học nghề theo Quyết định số 82/QĐ-UBND tỉnh còn thấp, nên BĐXN muốn sử dụng thẻ đi đăng ký học nghề lái xe ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận và Trung tâm dạy lái xe 677 thì học viên phải đóng thêm học phí đối với bằng B2 và 9 triệu đồng đối với bằng C...

Để công tác ĐTN gắn với giải quyết việc làm cho BĐXN đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với công tác ĐTN, giải quyết việc làm cho BĐXN; chủ động kết nối, tổ chức tư vấn, GTVL cho BĐXN có nhu cầu làm việc tại các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong và ngoài tỉnh, cũng như xuất khẩu lao động đi làm việc tại nước ngoài; tổ chức thực hiện tốt các chính sách ĐTN, lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp gắn với giải quyết việc làm; tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp tham gia ĐTN, sử dụng người lao động... Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ chi phí ĐTN cho BĐXN để học viên được học miễn phí tại các trung tâm ĐTN... Qua đó, giúp cho lực lượng BĐXN được học nghề, đã tạo việc làm cho nhiều BĐXN có công việc ổn định.