Nhạc sĩ Inư Tuấn sáng tác ca khúc cho thiếu nhi Chăm

Trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lần đầu tiên, một chương trình ca nhạc tiếng dân tộc dành riêng cho thiếu nhi Chăm được phát sóng trên kênh truyền hình Ninh Thuận và Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhạc sĩ Inư Tuấn với mong muốn dành tặng món quà âm nhạc cho thiếu nhi và cộng đồng Chăm, đã dành hơn 1 năm để sáng tác, tìm kiếm những giọng ca nhí ở các làng Chăm trong tỉnh và tập cho các em hát song ngữ Chăm – Việt. Album “Quê hương em” với 10 ca khúc thiếu nhi hoàn thành, phát sóng đã được công chúng, đặc biệt là cộng đồng người Chăm đón nhận tích cực.

Nhạc sĩ Inư Tuấn tên thật là Lộ Minh Tuấn, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở làng Chăm Phú Nhuận (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước), cha là nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Amư Nhân. Tốt nghiệp khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh năm 2010, đến nay, nhạc sĩ Inư Tuấn, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có gần 100 ca khúc viết về tình yêu quê hương, xứ sở, tình yêu đôi lứa trong cộng đồng Chăm. Nhiều ca khúc đạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam như Âm vang miền đất Tháp, Đất Tháp ngày nắng lên, Cô gái Chăm bên dòng sông hò hẹn… Ca khúc “Lời chào Phan Rang” đạt giải Ba cuộc vận động sáng tác những ca khúc về quê hương Ninh Thuận, hay ca khúc “Những cánh hoa tuyến đầu” tri ân đội ngũ y, bác sĩ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng là những sáng tác của nhạc sĩ Inư Tuấn được nhiều người biết đến. Về album nhạc thiếu nhi “Quê hương em”, nhạc sĩ Inư Tuấn chia sẻ: Âm nhạc Chăm rất phong phú về chất liệu, tuy nhiên những ca khúc dành cho các em thiếu nhi thì lại rất ít. Trong khi đây lại là thế hệ tương lai giữ vai trò gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Chăm. Với suy nghĩ đó, tôi đã ấp ủ dự án âm nhạc dành riêng cho các em thiếu nhi Chăm. 10 ca khúc trong album được sáng tác và hòa âm phối khí dựa trên nền tảng chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống Chăm như các bài bản nhạc lễ, các bài dân ca; khai thác tính năng các nhạc cụ Chăm như các tiết điệu trống Gi-năng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi, lục lạc… Tất cả được chắt lọc, biến tấu để phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

Chủ đề album nhạc thiếu nhi Chăm “Quê hương em” của nhạc sĩ Inư Tuấn.

Sáng tác cho trẻ em tưởng chừng đơn giản, chỉ cần dễ hát, dễ nghe, dễ thuộc, tuy nhiên lại có cái khó riêng, đòi hỏi nhạc sĩ phải thấu cảm và đồng điệu với tâm hồn trẻ thơ. Nói cách khác, người lớn phải nhìn, ngắm, suy nghĩ, cảm nhận thế giới qua lăng kính vừa đơn giản, vừa tinh khôi của trẻ. Sáng tác cho thiếu nhi Chăm lại càng thêm khó, bởi lúc này người nhạc sĩ phải kiêm luôn việc dạy tiếng Chăm cho các em. Thế nhưng, tâm huyết với âm nhạc Chăm, tình yêu trẻ thơ và sự hỗ trợ của cộng đồng đã giúp nhạc sĩ Inư Tuấn hoàn tất album nhạc thiếu nhi Chăm “Quê hương em”. Chỉ loanh quanh trong 7 nốt nhạc, nhưng mỗi bài hát trong album là một bức tranh với những gam màu tươi sáng, dạy các em rằng tình yêu quê hương, đất nước bắt đầu bằng tình yêu với những điều bình dị, gần gũi nhất với các em mỗi ngày, như: “Em yêu lúa xanh trên đồng, yêu cánh cò lả lơi cuối thôn, em yêu câu hát mẹ ru những trưa hè êm ả tháng năm” (Quê hương em); dặn các em phải biết vượt khó vươn lên, biết ước mơ hồn nhiên, tươi đẹp qua hình ảnh “Đàn cừu say sưa gặm cỏ non trong nắng buông tràn trề, trong gió khô đồng hè” (Vũ khúc mục đồng); giáo dục các em phải luôn ngoan ngoãn, vâng lời, yêu thương, kính trọng cha mẹ, thầy cô giáo “Thương mẹ tình mẹ bao la biển lớn, đôi mắt quầng sâu, bờ vai gầy đời mẹ chắt chiu” (Thương mẹ), “Thương dáng cha hao gầy, tóc bạc vì bao sương gió, nắng mưa đêm ngày gian lao” (Lời cha), “Ơn thầy cô bao điều dạy dỗ, thương mẹ cha suốt đời ghi nhớ, ấm êm gia đình cùng quê hương nghĩa tình” (Vui đến trường). Có lẽ chính sự mộc mạc, gần gũi của ca từ kết hợp với chất liệu dân ca Chăm đã cùng các em lớn lên bên cánh võng mà các ca khúc của nhạc sĩ Inư Tuấn dễ dàng thấm sâu vào tâm hồn thiếu nhi Chăm.

Album đầu tiên được cộng đồng đón nhận vượt cả mong đợi, trong niềm hạnh phúc đầu xuân, nhạc sĩ Inư Tuấn đang tiếp tục thực hiện album thứ 2 tuyển tập ca khúc thiếu nhi Chăm của nhiều tác giả như cố nhạc sĩ Đàng Năng Quạ, cố nhạc sĩ Tân Tu, nhạc sĩ Kiều Đại Thọ, nhạc sĩ Amư Nhân, Inư Tuấn và nhiều nhạc sĩ trẻ khác.