Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội thăm và làm việc với tỉnh về thực hiện quy hoạch điện

Ngày 17-7, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Quy hoạch điện VII và phương hướng, kế hoạch thực hiện lập Quy hoạch điện VIII.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: A.Tuấn

Báo cáo tình hình phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, UBND tỉnh đã nêu một số khó khăn vướng mắc đối với tỉnh hiện nay đó là vấn đề quy hoạch sử dụng đất, về lưới điện, thủ tục chuyển đổi đất rừng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, nhất là dự án thủy điện tích năng Bác Ái và các công trình lưới điện truyền tải đi qua nhiều địa phương. Theo đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét xác định cụ thể chủ trương xây dựng Ninh Thuận là Trung tâm năng lượng của cả nước; có kiến nghị Chính phủ sớm quan tâm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chuyển đổi đất rừng để các dự án sớm triển khai đầu tư, đặc biệt các công trình hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất phát điện. Đồng thời tính toán cân bằng giá điện một cách công bằng để các dự án được hưởng lợi ngang nhau và để địa phương tiếp tục thu hút mạnh các dự án năng lượng vào đầu tư. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách lâu dài để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư các dự án lớn, dài hơi...

Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát tại dự án Nhà máy điện mặt trời 450 MW, xã Phước Minh (Thuận Nam) kết hợp đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải. Ảnh: P.Bình

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần cập nhật và tích hợp các nguồn năng lượng hiện có của tỉnh vào quy hoạch điện VIII, chuyển các nguồn năng lượng đã được phê duyệt trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và quy hoạch điện lực tỉnh chưa thực hiện để tiếp tục thực hiện trong quy hoạch điện VIII, làm cơ sở để các nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo. Chuyển quy hoạch nguồn điện hạt nhân công suất 4.600 MW (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) sang quy hoạch điện khí LNG 4.600 MW, nâng tổng công suất nguồn điện khí LNG giai đoạn năm 2025- 2030 lên 6.100 MW, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng cảng nước sâu LNG Cà Ná. Ngoài ra, cần bổ sung thêm mới các nguồn năng lượng vào quy hoạch điện VIII như: Điện gió trên biển phát triển giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 3.240MW; điện mặt trời với tổng công suất 7.852MW....

Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát tại công trình điện gió Trung Nam (Thuận Bắc). Ảnh: P.Bình

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thay mặt đoàn, đánh giá cao tiềm năng lợi thế phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, ghi nhận sự nỗ lực của địa phương trong việc khai thác tiềm năng, biến các điều kiện bất lợi của vùng đất nắng, gió thành lợi thế, có chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế và cơ cấu ngành hợp lý. Đoàn ghi nhận các nội dung kiến nghị của tỉnh để có ý kiến tới các bộ ngành, Quốc hội xem xét, hoạch định chính sách tạo điều kiện để các địa phương phát huy hiệu quả đầu tư như Ninh Thuận. Đoàn cũng đề nghị tỉnh, cũng như các bộ ngành liên quan cần chú trọng công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch để phát triển ổn định, bền vững, đúng định hướng. Để xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo trên cơ sở chính sách, cơ chế đã có, nhất là đã có định hướng phát triển các dự án lớn, địa phương cần thể chế hóa và chủ động hơn trong xây dựng thực hiện kế hoạch. Qua làm việc với tỉnh, đoàn ghi nhận kiến nghị và sẽ có báo cáo chuyển tới các cấp, ngành bổ sung vào quy hoạch điện sắp tới để góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo. Đoàn cũng đề nghị và mong muốn trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm ứng dụng công nghệ năng lượng, chú trọng phát triển dự án năng lượng gắn với bảo vệ môi trường để phát huy tốt tiềm năng phát triển mạnh về kinh tế-xã hội.

Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát điểm quy hoạch Trung tâm điện khí LNG Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: P.Bình

Trước đó, đoàn đã đi khảo sát dự án Nhà máy điện Mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải, khảo sát điểm quy hoạch Trung tâm điện khí LNG Cà Ná và tổ hợp điện gió, điện mặt trời Trung Nam, huyện Thuận Bắc. Tại các nơi đến khảo sát, đoàn ghi nhận và đánh giá cao định hướng phát triển, nỗ lực của tỉnh cũng như quyết tâm đầu tư của Tập đoàn Trung Nam trong việc đầu tư mạnh mẽ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, làm thay đổi diện mạo, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đặc biệt là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào hệ thống đường dây truyền tải điện 500KV nhằm giải tỏa công suất điện trên địa bàn và hiện dự án đang huy động tổng lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình với quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ đề ra.