Nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và xâm thực bờ biển, thời gian qua tỉnh đã đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống đê, kè, góp phần bảo vệ vững chắc các khu dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển. Trong giai đoạn 2019-2022, tỉnh đã huy động gần 355 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, địa phương để triển khai thi công các công trình dự án ứng phó khẩn cấp với thiên tai bao gồm: Dự án kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải (Ninh Hải); dự án khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp do bão, lũ một số đoạn trên tuyến đê biển Đông Hải; dự án khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp củng cố đê kè biển Phú Thọ và Đông Hải những đoạn còn lại trên tuyến; dự án kè chống sạt lở khu vực cảng Cà Ná (Thuận Nam); hạng mục bổ sung tuyến kè bảo vệ bờ Nam Sông Dinh và tuyến đường gom nông thôn thuộc dự án đập hạ lưu Sông Dinh (Ninh Phước và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Tuyến kè ven biển tại khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) đang được thi công.
Từ nguồn vốn hỗ trợ dự phòng ngân sách trung ương cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, năm 2024 tỉnh tiếp tục đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng công trình tuyến kè ven biển tại khu phố Ninh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ nhà cửa, tính mạng, tài sản của người dân. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Đối với các công trình thủy lợi, đê, kè đang triển khai xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ trong tình huống khẩn cấp.
Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình đê, kè, tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý và phòng, chống thiên tai, bão, lũ, có phương án bảo vệ các công trình đê, kè trọng yếu trên địa bàn, bao gồm: Đê bờ Bắc Sông Dinh, đê biển bảo vệ khu vực Đầm Vua, đê phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), đê bảo vệ bờ biển Phú Thọ, đê cửa sông Phú Thọ. Các tuyến kè trên Sông Dinh đoạn từ đập Nha Trinh về đến đê cửa sông Phú Thọ và các tuyến kè trên các sông còn lại dài khoảng 20km. Để đảm bảo an toàn cho các công trình này, các sở, ngành và địa phương ven biển đã được yêu cầu kiểm tra kỹ lưỡng các hạng mục như cao trình, mặt cắt ngang, nền, thân đê, hành lang bảo vệ, nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng trước mùa mưa bão sắp đến.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, các tuyến kè trên Sông Dinh đoạn từ đập Nha Trinh về đến đê cửa sông Phú Thọ và các tuyến kè trên các sông còn lại, khi bước vào mùa mưa lũ (từ ngày 1/9 hằng năm) nghiêm cấm các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông để tránh gia tăng xói lở chân kè. Hiện nay, trên tuyến đê, kè trên địa bàn tỉnh, các cống dưới đê vào trước mùa mưa lũ đều được kiểm tra, duy tu bảo dưỡng vận hành đóng mở. Không có tình trạng thấm qua mang cống, đáy cống, sân trước, sân sau cống bị hư hỏng. Do vậy vào mùa lũ vẫn đảm bảo công tác vận hành. Đối với các tuyến kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển có một số đoạn đã được đầu tư xây dựng từ lâu và một số đoạn đã duy tu, khắc phục sửa chữa, qua thời gian đưa vào sử dụng công trình đã phát huy tác dụng đáng kể ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân đáp ứng được mục tiêu đã đề ra của dự án. Tuy nhiên, trong tình hình thời tiết biến đổi khí hậu những năm gần đây, khu vực công trình thường xuyên chịu ảnh hưởng của các cơn bão, lũ lụt từ thượng nguồn đổ về lớn có nguy cơ xảy ra sạt lở mái kè sông và sóng biển lớn có nguy cơ gây ra sạt lở mái kè biển. Các công trình này, hằng năm thường được kiểm tra khắc phục hư hỏng, do đó chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra về cơ bản đáp ứng yêu cầu về khả năng ngăn triều, chống bão, lũ. Tuy nhiên để chủ động phương án phòng, chống tác động bất lợi khi gặp triều lớn, bão, lũ dưới áp lực lớn kết hợp dòng chảy lũ trên sông và sóng biển ở mức cao có thể gây sạt lở mái kè.
Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Để bảo vệ hiệu quả các công trình đê, kè, tỉnh đã xây dựng các phương án, tập trung vào việc chuẩn bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Các lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ để sẵn sàng ứng cứu, bảo vệ đê điều, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Các lực lượng và phương tiện sẽ được điều động kịp thời theo lệnh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai. Để bảo vệ hiệu quả các tuyến đê, kè trọng điểm, UBND tỉnh giao các đơn vị chức năng phối hợp các địa phương thường kiểm tra, xác định những vị trí xung yếu, nguy cơ có thể xảy ra các sự cố khi gặp bão, đề xuất phương án kỹ thuật xử lý; chủ động có phương án khắc phục, gia cố kịp thời tại các vị trí sạt lở không để lan rộng gây mất an toàn cho tuyến đê. Khi xảy ra mưa lũ, triều cường, cần phải cử lực lượng, phương tiện và sẵn sàng vật tư dự trữ tại các điểm xung yếu để kịp thời ứng phó. Khi kết thúc đợt triều cường, bão, lũ, Chi cục Thủy lợi phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, đề xuất phương án sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn cho tuyến đê.
Anh Tuấn