Tạo thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển

(NTO) Qua một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh ta ngày càng khởi sắc cả về phát triển số lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Có thể nói, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ta đã cải thiện đáng kể; đặc biệt, tinh thần thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp đã được các sở, ngành, địa phương hưởng ứng mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp. Chỉ tính trong năm 2016, toàn tỉnh có 366 DN thành lập mới, vốn đăng ký trên 1.815 tỷ đồng, tăng 11% số DN và tăng 46,2% số vốn so với cùng kỳ (bình quân 9,4 tỷ đồng/DN). Nhìn chung, số DN gia nhập thị trường ở hầu hết các ngành đều tăng, trong đó một số ngành có tỷ lệ tăng cao, như: Dịch vụ du lịch, lưu trú và nhà hàng có 42 DN, tăng 90%; dịch vụ tư vấn thiết kế có 28 DN, tăng 33,3%; sản xuất giống thủy sản 91 DN, tăng 15,2%. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, có 168 DN, chi nhánh đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 1.530 tỷ đồng, tăng 12,7% số DN và tăng gấp 3,1 lần số vốn so cùng kỳ, nâng tổng số DN của tỉnh đến nay lên trên 2.500 DN, với tổng vốn đăng ký khoảng 23.430 tỷ đồng.

Công ty TNHH May Tiến Thuận đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ảnh: V.M

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, ngày 11-7-2016, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 2717/CTr-UBND tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhóm giải pháp, nhằm tạo thuận lợi cho DN phát triển. Kết quả, về cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành 38 Quyết định, nâng tổng số thủ tục hành chính được công bố lên 1.588 thủ tục (trong đó cấp tỉnh 1.242 thủ tục, cấp huyện 154 thủ tục và cấp xã 192 thủ tục). Đặc biệt, trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, thuế… thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính được rút ngắn từ 15-30% so với thời gian quy định. Về tiếp cận vốn, tín dụng, tính đến ngày 31-3-2017, có 1.141 DN vay vốn ngân hàng với tổng dư nợ trên 5.970 tỷ đồng, tăng 4,8% số DN và tăng 21,9% dư nợ so với cuối năm 2015. Đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, trong năm qua, tỉnh đã hỗ trợ, tặng miễn phí Phần mềm kế toán Misa, trị giá trên 132 triệu đồng cho 45 DN thành lập mới, tạo điều kiện cho các DN khởi sự kinh doanh.

Việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN luôn được quan tâm. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức 3 Hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng với DN và nhiều cuộc họp chuyên đề, làm việc trực tiếp với khoảng 600 lượt doanh nhân, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ngành Thuế đã kịp thời hoàn thuế cho 493 lượt DN với tổng số tiền trên 96,2 tỷ đồng; UBND tỉnh bố trí trên 119 tỷ đồng để thanh toán nợ các công trình hoàn thành, góp phần giải quyết khó khăn về vốn cho các DN tham gia các công trình xây dựng cơ bản. Đặc biệt, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra (không quá một lần/năm) và giao Thanh tra tỉnh làm đầu mối tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN ngay từ đầu năm, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, hạn chế được các hiện tượng trùng lắp, chồng chéo, gây phiền hà cho DN. Những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện để DN mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Trong năm 2016, tổng giá trị sản phẩm mà khu vực DN đã đóng góp đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 12,5%, chiếm 17,3% GRDP của tỉnh.

Cơ hội mới cho doanh nghiệp phát triển

Với quyết tâm hướng đến xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ DN phát triển, ngày 17-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc với chủ đề “Đồng hành cùng DN”. Tại hội nghị này, Thủ tướng đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ như: Tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển và tập trung kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho DN… với tin tưởng DN sẽ đóng góp cho “Bình minh rực sáng của Tổ quốc”. Quán triệt tinh thần trên, trong năm 2017, UBND tỉnh đề ra 5 nhóm nhiệm vụ để tập trung thực hiện nghiệm túc, có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, trọng tâm là thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Đầu tư, Luật DN; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, để thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý và trả lời kiến nghị của DN thông qua Chuyên mục hỏi - đáp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và thân thiện với DN còn được tỉnh thực hiện bằng việc tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 đảm bảo đạt tỷ lệ 20% trên tổng số dịch vụ công của tỉnh, nhất là các thủ tục liên quan tới DN. Tổ chức gặp mặt DN định kỳ hằng tháng, để trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN nhằm có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách hỗ trợ về khoa học-công nghệ, về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực..., đảm bảo quyền bình đẳng về tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. Nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thanh tra, kiểm tra đối với một DN không quá một lần trong một năm và chỉ tập trung vào các lĩnh vực nổi cộm trước mắt như thuế, kiểm toán, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Để tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh, phát triển bình đẳng, tỉnh còn quán triệt đến cấp xã, phường và các bộ phận nơi DN thường xuyên tiếp xúc, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của từng cán bộ, công chức tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm các tiêu cực, nhũng nhiễu; đồng thời, tạo lập hệ thống kết nối thông tin giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội để kết nối các thủ tục, rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho DN, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, sát với nhu cầu của DN, của tỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động của DN, đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.