Những mô hình sản xuất nhỏ nhưng hiệu quả cao

(NTO) Đối với những hộ nông dân đời sống còn khó khăn thì việc tìm hướng làm ăn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống lại càng khó khăn. Cùng tháo gỡ thực trạng này, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất vừa và nhỏ, hướng dẫn bà con chọn lựa những cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh cho nông dân.

Thời gian này, bà con xã Xuân Hải (Ninh Hải) đang chuẩn bị xuống giống vụ rau quả để cung ứng thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, trong đó, cây bí đao được nhiều hộ chọn làm cây trồng chủ lực. Ông Võ Thành Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Với nhiều ưu điểm: dễ trồng, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ít, sức tiêu thụ mạnh nên Hội đã tuyên truyền nhân rộng mô hình trồng bí đao cho nhiều hộ gia đình. Gần 10 năm nay, cây bí đao được xem như cây trồng “xóa đói giảm nghèo” ở địa phương. Được biết, chi phí đầu tư 1 sào bí rất thấp, không quá 2 triệu đồng/sào/vụ, lại cho năng suất cao, khoảng 5 tấn/sào. Với giá trung bình khoảng 3.000 đồng/kg, tính ra có thể thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào. Cá biệt nhiều vụ giá lên đến 8.000 đồng/kg, bà con thu lãi hàng chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Liêm xuống giống trồng cây bí đao phục vụ thị trường Tết.

Tuy nhiên, do giá bí vụ vừa qua giảm mạnh, có khi rớt còn 800 đồng/kg, không còn cho lợi nhuận cao, nên có nhiều hộ chuyển sang các loại cây trồng khác. Để giải quyết vấn đề này, Hội Nông dân xã vận động bà con vẫn tiếp tục trồng, nhưng điều chỉnh diện tích, đồng thời khuyến khích xen canh với một số loại cây trồng khác như dưa leo, mướp đắng… Ông Nguyễn Thanh Liêm, thôn An Xuân 3 cho biết: Với chi phí đầu tư thấp, trồng bí đao ít khi bị lỗ. Nếu giá khoảng 1.000 đồng/kg thì bà con vẫn có lời. Vì vậy vụ đông- xuân này, gia đình tôi vẫn xuống giống 3 sào bí đao để phục vụ thị trường.

Ngoài cây bí đao, Hội Nông dân xã Xuân Hải còn hướng dẫn cho bà con thực hiện nhiều mô hình khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình măng tây xanh, hiện đã nhân rộng với diện tích 1,5 ha, dưa hoàng kim…Từ quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã cho 14 hộ nông dân vay, tổng số vốn 210 triệu đồng, thành lập Tổ sản xuất rau quả an toàn. Việc làm này giúp bà con có thêm điều kiện về vốn sản xuất, vừa tạo mối liên kết giữa các hộ sản xuất rau quả nhỏ lẻ, dễ dàng cho Hội hướng dẫn ứng dụng các kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. cũng theo ông Võ Thành Lâm, hầu hết ở địa phương là những mô hình vừa và nhỏ, nhưng do biết lựa chọn cây trồng phù hợp, nên thu nhập của bà con ổn định hơn.

Ở xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), từ tháng 5-2013, Hội Nông dân tỉnh đã cho 10 hộ dân xã Hòa Sơn vay tổng số tiền 300 triệu đồng thực hiện Dự án nuôi bò vỗ béo theo phương pháp bán công nghiệp. Anh Võ Văn Tâm, ở thôn Tân Tập, tham gia dự án, được vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, mua 2 con bò tơ, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật vỗ béo bò theo phương pháp bán công nghiệp, cho bò ăn thêm cám và đường, nên qua 6 tháng nuôi, anh Tâm đã bán toàn bộ số bò, lãi trên 15 triệu đồng. Sau đó, anh lại mua thêm cặp bò mới và lại chuẩn bị cho xuất chuồng. Cũng giống gia đình anh Tâm, gia đình anh Nguyễn Ngọc Thạch ở thôn Tân Hiệp, trước đây chỉ biết chăn nuôi bò theo phương pháp truyền thống, kém hiệu quả. Tham gia vào dự án, anh Thạch được Hội cho vay 30 triệu đồng, có thêm vốn để mua 2 con bò tơ nuôi theo mô hình khép kín bán công nghiệp, nhờ đó bò phát triển rất nhanh. Sau một thời gian ngắn, anh đã bán cặp bò với giá 60 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, phụ trách Dự án “Chăn nuôi bò vỗ béo” của xã cho biết: Toàn bộ số bò trong dự án đều phát triển tốt, qua đó không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn cải thiện thu nhập đáng kể cho bà con nông dân, bình quân mỗi con bò nuôi cho lãi trên 1 triệu đồng/tháng.

Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay Dự án “Chăn nuôi bò vỗ béo” đã được Hội Nông dân tỉnh nhân rộng tại nhiều địa phương khác như xã Phước Hữu (Ninh Phước), Phước Ninh (Thuận Nam)…

Ông Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Với điều kiện kinh tế còn hạn hẹp của nhiều hộ nông dân, việc áp dụng các mô hình sản xuất vừa và nhỏ là hướng đi phù hợp nhất. Điều quan trong là phải biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường, như thế sẽ dễ dàng trong khâu tiêu thụ sản phẩm và nâng cao lợi nhuận. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức đánh giá các dự án, mô hình đã thực hiện, chọn lọc các mô hình hiệu quả để nhân rộng, giúp bà con mở ra hướng làm ăn mới, cải thiện nâng cao đời sống.