Du lịch văn hoá Chăm

Những điệu múa truyền thống do thiếu nữ Chăm duyên dáng biểu diễn làm say lòng người thưởng ngoạn. Ninh Thuận- vùng đất giàu truyền thống văn hoá dân tộc Chăm đang mở lòng mời gọi du khách gần xa.

Thăm thú làng xã:

(NTO) Ninh Thuận là vùng đất duy nhất trong cả nước có cộng đồng dân tộc Chăm gần 70.000 người sinh sống ở 22 làng còn giữ được bản sắc văn hoá độc đáo. Đời sống tâm linh của cư dân địa phương gắn liền với đền tháp, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, tập quán sinh hoạt làng xã. Về Ninh Thuận, du lịch văn hoá Chăm là cuộc hành trình mang đậm tính nhân văn.

Tháp Pôklong Garai thu hút đông đảo du khách đến tham quan vào dịp lễ hội Ka tê

Huyện Ninh Phước có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất tỉnh Ninh Thuận. Toàn huyện có gần 40.000 người Chăm sinh sống tại 20 thôn, khu phố, chiếm 30% dân số địa phương. Các xã có đông người Chăm sinh sống là Phước Hữu, Phước Thái, Phước Dân, An Hải. Ninh Phước có hai làng nghề truyền thống là dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc được Nhà nước đầu tư trên 20 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng và nhà trưng bày sản phẩm.

Làng gốm Bàu Trúc nằm cách TP. Phan Rang- Tháp Chàm khoảng 10 km về hướng Nam. Về Bàu Trúc, du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp của những người phụ nữ Chăm làm ra sản phẩm đất nung phục vụ sinh hoạt gia đình. Đồng thời làm gốm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu mua sắm quà lưu niệm với hàng trăm loại sản phẩm. Du khách trong và ngoài nước khen ngợi sự khéo léo tài hoa của phụ nữ Chăm đã tạo ra những tác phẩm đất nung độc đáo. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng Bàu Trúc là làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á.

Nghề làm gốm mỹ nghệ của phụ nữ Chăm làng Bàu Trúc
 
 
Du khách tham quan, mua sản phẩm gốm Bàu Trúc

Liền kề với Bàu Trúc là làng Chăm Mỹ Nghiệp nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống ngày đêm lách cách tiếng thoi đưa. Thấp thoáng sau những khung cửi rực rỡ sắc màu là hình ảnh xinh đẹp của các thiếu nữ Chăm cần mẫn đường tơ sợi chỉ làm say lòng du khách. Sản phẩm thổ cẩm của Mỹ Nghiệp là sự kết hợp hài hoà giữa sự khéo tay của người phụ nữ với những nét hoa văn được các nghệ nhân Chăm kế thừa và phát triển. Khăn thổ cẩm, túi xách, trang phục truyền thống của làng dệt Mỹ Nghiệp đã theo chân du khách đi khắp trời Âu đất Á.

Du khách tham quan khung cửi và cách dệt thổ cẩm tại làng Chăm Mỹ Nghiệp

Lễ hội đền tháp:

Từ Mỹ Nghiệp đi về hướng Tây- Nam khoảng 10 km đến làng Hậu Sanh, du khách ngỡ ngàng trước ngôi tháp thờ vua Pôrômê (1595- 1615) toạ lạc trên ngọn đồi cao hơn 50 mét. Ngôi tháp hình trụ có kiến trúc độc đáo xây dựng từ thế kỷ XVI. Đến ngày hội Ka tê, đồng bào các làng Chăm quanh vùng đến cúng lễ ghi ơn vị vua có công xây dựng đập Ma rên đưa nước về tưới cho cánh đồng Hữu Đức màu mỡ. Năm 1992, Tháp Pôrômê được Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Nhà nước vừa đầu tư trên 30 tỉ nâng cấp tháp Pôrômê bảo tồn di tích văn hóa và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Nghi thức rước y trang lên tháp Pôkolong Garai trong ngày hội Ka tê

Pôklong Garai (1151-1205) vị vua có công lớn trong việc dẫn thuỷ nhập điền, hướng dẫn nông dân làm ăn no ấm. Khi Pôklong Garai qua đời được cư dân xây tháp vào cuối thế kỷ XIII tôn thờ ông tại đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh, TP. Phan Rang-Tháp Chàm. Tháp Pôklong Garai được Bộ Văn hoá- Thể thao- Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1979. Nhà nước đầu tư gần 11 tỉ đồng xây dựng khu văn hóa du lịch tại chân tháp Pôklong Garai trên diện tích 7,8 ha. Công trình bao gồm 3 ngôi nhà trưng bày hiện vật văn hóa Chăm. Sân lộ thiên biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian. Dãy nhà ở truyền thống lưu giữ các hiện vật văn minh lúa nước.

Các nghệ nhân biểu diễn trống ghi năng và kèn saranai chào mừng lễ hội Ka tê

Các làng Chăm đang nô nức diễn ra lễ hội Ka tê năm 2011. Cả sư Hán Đô trụ trì tháp Pôrômê cho biết lễ hội Ka tê hàng năm diễn ra tại các đền tháp vào ngày mùng một tháng bảy Chăm lịch (khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch). Đây là lễ hội truyền thống quan trọng nhất của đồng bào Chăm Bàlamôn. Các vị chức sắc và các gia đình dâng lễ tưởng nhớ công ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận nắng hòa, mùa màng tốt tươi, mọi nhà hạnh phúc. Lễ hội Ka tê diễn ra đồng loạt ở bốn đền tháp với các nghi lễ rước y trang, mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc y phục cho tượng thần mang đậm sắc thái tín ngưỡng tâm linh.

Điệu múa dân gian Chăm độc đáo làm say lòng người thưởng ngoạn

Trong cuộc hành trình đến với Ninh Thuận, du khách được sống trong không gian sinh hoạt văn hoá làng đầm ấm của cộng đồng dân cư Chăm. Vào dịp lễ hội Ka tê, du khách được thưởng thức tiếng hát dân ca trữ tình hoà quyện tiếng trống ghi năng, trống baranưng, kèn baranai do các nghệ nhân dân gian Chăm tài hoa thể hiện. Đặc biệt, những điệu múa truyền thống do thiếu nữ Chăm duyên dáng biểu diễn làm say lòng người thưởng ngoạn. Ninh Thuận- vùng đất giàu truyền thống văn hoá dân tộc Chăm đang mở lòng mời gọi du khách gần xa.