Cần siết chặt quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm

(NTO) Nhiều năm qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm khá phổ biến. Nhiều công trình xây dựng trái phép, không phép, sai phép đã phá vỡ kiến trúc đô thị, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển của thành phố.

Tràn lan nhà ở trái phép, không phép

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, thành phố phát hiện 129 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Riêng từ đầu năm đến nay là 19 trường hợp, chủ yếu xây dựng công trình không có giấy phép, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất công ích…, điển hình nhất là tại các phường: Phước Mỹ (41 trường hợp), Tấn Tài (21 trường hợp), Mỹ Bình (14 trường hợp)… Đồng chí Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ, cho biết: Từ khi tuyến tránh Quốc lộ 27 được xây dựng, tình trạng sang nhượng đất, xây dựng nhà ở trái phép hai bên đường, các con hẻm quanh khu vực này ngày càng phức tạp. Chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, theo dõi, xử phạt… nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bức xúc nhu cầu về nhà ở của người dân. Nhiều hộ gia đình không có điều kiện sang nhượng đất thổ cư, nên vẫn còn tình trạng sang nhượng đất nông nghiệp; tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất lại khá cao nên đành phải xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Công tác điều chỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chậm trễ, không theo kịp nhu cầu nhà ở của người dân. Ngoài ra, không ít trường hợp người dân không am hiểu pháp luật, khi có đất tự ý xây dựng nhà ở, không đến chính quyền địa phương xin giấy phép xây dựng theo quy định…

 
Nhà ở trái phép dọc tuyến Quốc lộ 27, phường Phước Mỹ.

Còn buông lỏng trong công tác quản lý

Nhằm chấn chỉnh, giải quyết một cách hợp tình, hợp lý vi phạm trật tự xây dựng, từ năm 2013, UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý cụ thể. Trường hợp thứ nhất, đối với các hộ xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, nếu có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hợp pháp, phù hợp với quy hoạch thì yêu cầu nộp tiền xử phạt hành chính và cho tồn tại công trình. Đối với các hộ có GCNQSDĐ nhưng không phù hợp với quy hoạch mà gặp khó khăn về nhà ở thì yêu cầu nộp phạt và cho tồn tại công trình nhưng với điều kiện là phải cam kết không được cơi nới, mua bán, sang nhượng; đồng thời, tự tháo dỡ khi Nhà nước thực hiện quy hoạch thu hồi đất. Trường hợp thứ ba là nếu có GCNQSDĐ nhưng xây dựng sai nội dung cấp phép hoặc xây dựng công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh thì giới hạn trong vòng 3 tháng phải tự tháo dỡ. Riêng với trường hợp xây dựng công trình lấn chiếm đất công ích, yêu cầu tháo dỡ ngay. Đồng thời, theo dõi, phát hiện kịp thời, cương quyết ngăn chặn các trường hợp phát sinh. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại buông lỏng trong công tác quản lý nên các giải pháp đưa ra chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều công trình thuộc diện không được phép xây dựng, khi bắt đầu giai đoạn làm móng, chính quyền địa phương phát hiện, đến nhắc nhở, đình chỉ công trình nhưng các đối tượng tiếp tục lén lút thi công vào thời gian ngoài giờ hành chính, tránh sự ngăn cản của chính quyền địa phương. Trong khi đó, cán bộ địa phương lại thiếu sâu sát nên chỉ một vài ngày sau, khi trở lại kiểm tra thì ngôi nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh.

Việc xử lý vi phạm, cưỡng chế lại hết sức khó khăn, một phần do sự chống đối từ phía người dân, một phần do chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thiếu cương quyết, tích cực trong công tác phối hợp. Đối với 129 trường hợp vi phạm, UBND thành phố đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 1,2 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này chỉ có 40 trường hợp thực hiện nộp phạt, với số tiền 356 triệu đồng. Ông Tô Công Trung, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố, cho biết: Hầu hết các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện đến nộp phạt, phải đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần, thậm chí cố tình né tránh không tiếp xúc khi cơ quan chức năng đến đôn đốc thực hiện quyết định xử phạt. Đơn cử như đối với hộ ông Trần Văn T., trú tại khu phố 5, phường Đạo Long, xây dựng nhà ở trong phạm vi hành lang bảo vệ đê. Rõ ràng đây là công trình không được phép xây dựng. Ngay từ khi công trình mới ở công đoạn làm móng, xây bờ tường, Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố đã đến lập biên bản yêu cầu ngưng thi công và tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên, ông T. không thực hiện; UBND phường lại không cương quyết ngăn chặn, nên chỉ một thời gian ngắn, công trình được hoàn thành. Trước tình hình trên, Đội Quản lý trật tự đô thị đã tham mưu UBND thành phố ra quyết định xử phạt 22.500.000 đồng, yêu cầu gia đình tự tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nhiều lần thông báo, đôn đốc thực hiện quyết định xử phạt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Như vậy, để công tác quản lý trật tự xây dựng đạt hiệu quả cao, quan trọng hơn cả là tinh thần trách nhiệm từ phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, ngăn chặn các trường hợp vi phạm ngay từ khi công trình mới bắt đầu. Thành phố cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết về xây dựng cho các địa phương; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dành cho người thu nhập thấp, giải quyết nhà ở; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự xây dựng cho người dân nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, không phép như hiện nay.