Đời sống nông thôn ngày càng khởi sắc

(NTO) Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, về các địa phương trong tỉnh, chúng tôi ghi nhận được sự đổi mới bộ mặt nông thôn tỉnh nhà qua bước phát triển mới về hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó nổi bật nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất như công trình giao thông, kênh mương nội đồng... Dù hạn hán kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân ở nhiều vùng quê, nhưng hầu hết cán bộ và Nhân dân đều phấn khởi trước kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

 
Xã Phước Vinh đi đầu trong phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ, phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm nay. 
Trong ảnh: Nông dân thôn Phước An 1 (xã Phước Vinh, Ninh Phước) thu hoạch ớt xuất khẩu, đạt giá trị sản xuất gần 200 triệu đồng/ha/vụ.

Theo Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, trong giai đoạn 2011-2015, từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp chương trình 63,64 tỷ đồng, trong đó vốn Trái phiếu Chính phủ 53 tỷ đồng, các xã đã cứng hoá được 53,90km đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; kiên cố gần 4,385km kênh mương cấp 2, 3; xây dựng một số phòng học, tường rào các trường tiểu học, mẫu giáo; nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế và xây dựng trụ sở làm việc của các xã Công Hải (Thuận Bắc) và Phước Dinh (Thuận Nam). Ngoài ra, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn khác và vốn vay tín dụng ưu đãi, các địa phương đã thực hiện bê-tông gần 310km đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm và đường nội đồng; nâng cấp, kiên cố gần 30km kênh nội đồng. Thông qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng, bộ mặt nông thôn đã ngày một khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn. Các công trình giao thông nông thôn, công trình thủy lợi được xây mới, nâng cấp, cải tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và vận chuyển, trao đổi hàng hóa, nông sản của người dân…

 
Một góc xã Phước Thái (Ninh Phước) ngày nay.

Trong sự chuyển biến trên nhiều mặt của nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đáng chú ý là việc chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân đã tác động mạnh mẽ làm tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi. Một số mô hình thực hiện đạt hiệu quả và được nhân rộng như: Sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, VietGAP trên cây nho, sản xuất rau an toàn, tưới nước tiết kiệm, chăn nuôi gắn với xây dựng hầm biogas..., góp phần thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 22,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2011 (11,96 triệu đồng/người/năm).

Thành quả xây dựng NTM trong 5 năm qua đang dần khẳng định. Tính đến cuối năm 2015, tỉnh ta đã có 11 xã đạt chuẩn NTM, đó là các xã Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); Tri Hải, Tân Hải, Xuân Hải (Ninh Hải); Công Hải, Bắc Phong (Thuận Bắc); Phước Thái, Phước Thuận, Phước Sơn (Ninh Phước); Nhơn Sơn (Ninh Sơn) và Phước Nam (Thuận Nam). Ngoài ra, có 2 xã cơ bản đạt chuẩn (từ 15-18 tiêu chí), 19 xã khá (từ 10-14 tiêu chí), 15 xã trung bình (từ 5-9 tiêu chí) và không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa (xã, thôn), chợ, điện, bưu điện… với sự đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau đã đáp ứng nhu cầu cơ bản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Ngoài 100% số xã có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất, qua sự hình thành hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ gần 86% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.

 
Hệ thống hạ tầng được đầu tư khang trang góp phần xây dựng xã Tân Hải (Ninh Hải) đạt chuẩn NTM. Ảnh: Mai Dũng- Văn Miên.

Đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, cho biết: “Từ kết quả đầu tư thực hiện chương trình NTM và lồng ghép các chương trình, dự án khác, đã tạo ra việc làm, tăng thu nhập, cải thiện từng bước về điều kiện sống cho người dân khu vực nông thôn, giảm dần mức chênh lệch so với khu vực thành thị”. Xuất phát từ thực tế và trên cơ sở dự kiến nguồn lực đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh phấn đấu có 2 huyện đạt chuẩn NTM (Ninh Hải, Ninh Phước), 24 xã đạt chuẩn NTM (kể cả các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015 được công nhận lại), bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Riêng trong năm nay, cùng với giữ vững các xã đạt chuẩn NTM từ năm 2015, phấn đấu có ít nhất 3-5 xã đạt chuẩn NTM.

 
Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc cây đậu xanh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh tập trung chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nhiều nguồn lực (vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân và cộng đồng…) với tổng mức đầu tư dự kiến trên 4.000 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm 5 năm qua, bước vào giai đoạn mới, tin rằng các huyện, xã sẽ năng động hơn trong huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp để xây dựng nông thôn hiện đại, góp phần phát triển quê hương Ninh Thuận giàu đẹp.