Cần hướng đến sự hài lòng của người dân!

(NTO) Năm 2016 này, có thể nói thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh trong điều kiện hết sức khó khăn, nhất là tình trạng hạn hán nghiêm trọng vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương còn cao...Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn quyết tâm phấn đấu trong năm có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt trên 13 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 7 tiêu chí; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 11 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2015.

Cơ sở để phấn đấu, đó là qua triển khai thực hiện phong trào nói trên đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong nông thôn như đã hình thành trên địa bàn 47 xã NTM 51 Hợp tác xã (tăng 8 Hợp tác xã so với năm 2011), 1.160 Tổ hợp tác (tăng 370 Tổ so với năm 2011), 14 Liên minh sản xuất, 302 nhóm cùng sở thích chăn nuôi, trồng trọt và 53 trang trại. Các tổ chức này đã hỗ trợ các thành viên thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất; giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch; nắm bắt kịp thời thông tin về thị trường, ngư trường và liên kết với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 50% khâu thu hoạch và đang tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy giúp giảm chi phí sản xuất và khắc phục tình trạng thiếu lao động ở những thời điểm có tính mùa vụ cao...

Tuy nhiên, thực tế cũng cần nhìn nhận là xây dựng NTM ở tỉnh ta mặc dù chưa ghi nhận tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, ngoài khả năng trả nợ của các xã nhưng vẫn còn đó không ít trăn trở. Đó là, một bộ phận cán bộ, và người dân chưa nhận thức đầy đủ về Chương trình, vẫn còn tồn tại “tư duy dự án”, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước…nên ý thức tự giác, chủ động tham gia xây dựng NTM chưa cao. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều giữa các địa phương, chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí còn thiếu bền vững…

Để khắc phục tình trạng đã nêu, xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, hướng tới sự hài lòng của người dân yếu tố cơ bản là phải tiếp tục xác định đây là công việc của dân, người dân là chủ thể trong tất cả các khâu, được tham gia bàn bạc, quyết định những công việc có liên quan. Thực hiện tốt yêu cầu này sẽ khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, vì quyền lợi của mình người dân sẽ sẵn sàng góp công, góp của, hiến đất… để xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời làm tốt vai trò quản lý, sử dụng, bảo vệ hạ tầng nông thôn, tránh tình trạng lãng phí. Vấn đề cũng đáng quan tâm là trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần xác định bước đi, cách làm phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức, chạy theo phong trào. Tổ chức các phong trào, hoạt động thi đua xây dựng NTM phải căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, không huy động sức dân bằng mọi cách và chỉ tính toán triển khai những công trình hạ tầng cơ sở thật sự cần thiết cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân khi có đủ nguồn lực đầu tư…

Mục tiêu của tỉnh ta là xây dựng NTM phải gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông – lâm - thủy sản trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gắn với xây dựng NTM. Đến năm 2020, phấn đấu có 24 xã đạt chuẩn NTM, bình quân 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí và có từ 1-2 huyện đạt chuẩn NTM...

Suy cho cùng, kết quả xây dựng NTM chính là sự hài lòng của người dân về điều kiện sản xuất, sinh hoạt và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vậy!.