Qua 5 năm thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông ở Bắc Sơn

(NTO) Qua 5 năm triển khai Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) ở xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương.

Do sự phát triển kinh tế giữa các thôn ở Bắc Sơn không đồng đều, nên khi triển khai dự án, Ban Phát triển xã đặc biệt ưu tiên tập trung nguồn lực cho các địa bàn khó khăn, nhằm mục tiêu cải thiện đời sống người dân và giảm nghèo bền vững. Căn cứ thực tế đời sống người dân và định hướng các chuỗi giá trị, Ban Phát triển xã đã thành lập 20 nhóm cùng sở thích, gồm: 12 nhóm nuôi bò, 3 nhóm nuôi cừu, 3 nhóm nuôi dê và 2 nhóm trồng mãng cầu, với 269 thành viên tham gia, trong đó có 174 hộ nghèo, cận nghèo và 94 hộ thành viên phụ nữ. Để các tổ, nhóm hoạt động hiệu quả, sau khi thành lập, Ban Phát triển xã đã phối hợp mở các lớp tập huấn, tổ chức hướng dẫn cách canh tác, chăn nuôi cụ thể đối với từng loại cây, con trong các chuỗi giá trị…, giúp các thành viên nâng cao nhận thức, biết cách lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Từ giữa năm 2011 đến nay, dự án đã hỗ trợ các nhóm cùng sở thích 70 con bò cái sinh sản, 155 con cừu sinh sản, 174 con dê sinh sản, 5.250 cây mãng cầu; xây dựng 30 cái chuồng trại, 15 hầm biogas, với tổng giá trị trên 2,6 tỷ đồng.

 
Phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi giúp người dân xã Bắc Sơn cải thiện đời sống.

Ông Tôn Long Dũng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển xã Bắc Sơn, cho biết: Là địa bàn có đồng cỏ tự nhiên dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, nên địa phương lựa chọn chăn nuôi bò, dê, cừu làm chuỗi giá trị chính. Trong đó, chuỗi chăn nuôi bò và dê phát triển khá tốt, mang lại nhiều kỳ vọng giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo. Qua nhận định của Ban Phát triển xã, sự hỗ trợ của dự án đã giúp người dân giảm bớt được chi phí đầu tư, nên giá trị các sản phẩm từ chăn nuôi bò, dê, cừu tăng lên khoảng 15-20%. Đồng thời, thông qua các chuỗi giá trị, người chăn nuôi đã thay đổi hình thức chăn thả tự nhiên sang áp dụng khoa học-kỹ thuật theo hình thức nuôi tập trung, bán công nghiệp và kết hợp với trồng cỏ…, từ đó giúp các nhóm cùng sở thích tăng thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và khả năng tiếp cận với thị trường.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ nguồn vốn Quỹ CDF, đến nay, xã đã tu sửa và xây mới 10 công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của người dân. Cụ thể, đã nâng cấp, sửa chữa đường nội đồng vùng Rọ Bò (thôn Xóm Bằng) phục vụ chuỗi lúa, bắp, bò, dê, cừu; đường nội đồng vào khu sản xuất đập Tà Cú (thôn Bỉnh Nghĩa); tuyến đường nội đồng vùng Mã Ốc (thôn Láng Me), với tổng chiều dài trên 2.500m; nâng cấp, sửa chữa các tuyến kênh mương Tân Khẩu, Tà Lốc, cầu kênh Bắc có tổng chiều dài trên 1.000m…, với tổng giá trị trên 4,6 tỷ đồng. Qua đó, giúp địa phương từng bước hoàn thiện hạ tầng để mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

Từ những kết quả trên có thể nói, sau 5 năm thực hiện Dự án HTTN không chỉ tạo động lực đưa kinh tế-xã hội địa phương phát triển, mà còn đem lại cơ hội cho các hộ nghèo, cận nghèo cải thiện cuộc sống đáng kể. Để tiếp tục phát huy hiệu quả lợi ích của dự án đến với người dân, thời gian tới, xã Bắc Sơn tập trung nâng cao năng lực của các tổ, nhóm sở thích tiếp cận thị trường, tạo đầu ra ổn định của sản phẩm, nhằm tăng thu nhập cho người dân, hướng tới giảm nghèo nhanh và bền vững.