Tạo sinh kế cho hộ nghèo xã Phước Thái cải thiện cuộc sống

(NTO) Xã Phước Thái (Ninh Phước) nằm trong diện được hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông của tỉnh. Trong 5 năm qua, cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai dự án có hiệu quả, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xác định việc triển khai thực hiện dự án có ý nghĩa với hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương nên xã tập trung triển khai đồng bộ đúng theo kế hoạch. Đến nay, nhiều hợp phần đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nổi bật là đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc tiểu hợp phần Quỹ CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng) đã tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng. Trong vòng 5 năm (2011-2016), từ sự hỗ trợ của dự án, xã đã hoàn thành 11 công trình hạ tầng nông thôn, với kinh phí vài tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2015, đã nâng cấp sân phơi thôn Hoài Ni, phục vụ chuỗi giá trị lúa, với kinh phí 531 triệu đồng; thi công tuyến đường nội thôn từ cầu Sông Quao đến sân Me Tây, phục vụ chuỗi giá trị táo, bắp, với chiều dài 680m, kinh phí hơn 500 triệu đồng; xây dựng chợ tập trung Như Ngọc-Như Bình, phục vụ chuỗi giá trị địa phương, diện tích gần 2.000m2, với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

 
Dự án Hỗ trợ Tam nông triển khai ở xã Phước Thái tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo  phát triển chăn nuôi cừu.

Đối với hợp phần Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, đáng kể nhất là xác định được chuỗi giá trị chiến lược tiềm năng, hình thành mối liên kết “3 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông), qua đó tạo ổn định đầu ra các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho các tổ, nhóm trồng trọt, chăn nuôi. Từ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xã đã tiến hành điều tra, phân tích, lựa chọn được 5 chuỗi giá trị chiến lược như bắp, lúa, dê, cừu, bò… và các chuỗi giá trị tiềm năng khuyến khích sự tham gia của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ vào các chuỗi giá trị xác định. Kết quả, đến nay có chuỗi giá trị bò, cừu, dê, lúa hình thành mối liên kết sản xuất theo hướng bền vững. Cùng với đó, 8 thôn trên địa bàn xã đã thành lập được 9 nhóm đồng sở thích chăn nuôi, trồng trọt; trong đó, 6 nhóm thuộc chuỗi giá trị lúa, dê, cừu được Quỹ CSG tài trợ gần 570 triệu đồng để phát triển sản xuất bền vững. Hoạt động hỗ trợ đã có tác dụng nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia vào chuỗi giá trị.

Đầu năm 2015, DASU huyện xét duyệt hỗ trợ Nhóm cùng sở thích nuôi cừu thôn Thái Giao 90 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất. Anh Lê Thắng, Nhóm trưởng, cho biết: Số tiền hỗ trợ được nhóm sử dụng cho việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bằng cách mua thêm 36 cừu giống chất lượng cao về thay thế những cừu cái lâu năm, hết khả năng sinh sản. Nhóm cũng đã xây dựng chuồng nuôi tập trung, đầu tư trồng cỏ nhằm bảo đảm thức ăn cho cừu. Việc triển khai thực hiện sản xuất dựa trên kế hoạch kinh doanh được phê duyệt tài trợ từ Quỹ CSG mang lại hiệu quả tích cực, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong nhóm. Riêng hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản. Kết quả đạt được đáng ghi nhận ở lĩnh vực này là thông qua các hội chợ thương mại, xã giới thiệu sản phẩm bò, dê, cừu thuộc chuỗi giá trị của dự án.

Đồng chí Lưu Văn Thủy nhìn nhận: Kết quả của dự án không những tạo sinh kế cho hộ nghèo, mà còn góp phần để xã hoàn thành tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới. Từ khi bắt đầu triển khai dự án vào năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở xã là 15,71% đến năm 2015 giảm xuống còn 4,98% (theo chuẩn mới).