Hiệu quả qua 5 năm thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông ở Phước Vinh

(NTO) Phước Vinh là một trong 3 xã của huyện Ninh Phước được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Qua 5 năm thực hiện, Ban Phát triển xã đã tích cực triển khai hiệu quả các hợp phần, duy trì hiệu quả hoạt động của các nhóm theo chuỗi giá trị sản xuất, góp phần đáng kể trong việc cải thiện đời sống nông dân và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Toàn xã có 5 thôn, với 2.435 hộ/14.115 nhân khẩu, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong tổng diện tích đất tự nhiên 4.782 ha thì đất sản xuất hàng năm của xã khoảng 1.700 ha, với các loại cây trồng chủ yếu là lúa, bắp và táo. Bên cạnh trồng trọt, người dân còn chú trọng đầu tư chăn nuôi với tổng đàn gia súc 21.987 con; trong đó, đàn bò chiếm 5.467 con; dê, cừu gần 12.000 con…

Đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển xã cho biết: Căn cứ vào tình hình kinh tế và thế mạnh sản xuất trên địa bàn, Ban Phát triển xã đã lựa chọn chuỗi giá trị phát triển vì người nghèo tại địa phương gồm táo, bắp, bò, dê, cừu; trên cơ sở đó, tiến hành thành lập 20 tổ nhóm đồng sở thích với 332 thành viên tham gia, gồm: 4 tổ nhóm chăn nuôi bò, 5 tổ nhóm chăn nuôi cừu, 1 tổ nhóm chăn nuôi dê, 6 tổ nhóm trồng bắp và 4 tổ nhóm trồng táo.

 
Thành viên Nhóm cùng sở thích thôn Phước An 2 chăm sóc đàn dê.

Sau khi thành lập, được sự hỗ trợ tích cực từ DASU huyện, xã đã xây dựng quy chế quản lý, lập kế hoạch, định hướng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực… nên hoạt động của các tổ nhóm đồng sở thích ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy được hiệu quả trong phát triển theo chuỗi giá trị của nhóm. Từ năm 2011 đến nay, đã hỗ trợ xây dựng 19 chuồng trại, 60 cừu sinh sản, 10 bò cái và 1 bò đực giống; hỗ trợ giống, phân bón cho 6 tổ nhóm trồng bắp và 4 tổ nhóm trồng táo với tổng giá trị trên 500 triệu đồng. Đồng thời, Ban Phát triển xã còn phối hợp với DASU huyện mở 20 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Theo đánh giá của Ban Phát triển xã, được sự hỗ trợ của dự án, việc sản xuất của người dân đã phần nào giảm bớt chi phí đầu tư sản xuất, có trên 50% số hộ thành viên tham gia các nhóm sở thích có thu nhập tăng so với trước.

Để phục vụ các chuỗi giá trị, từ nguồn vốn hỗ trợ dự án, địa phương đã nâng cấp, sửa chữa đường nội đồng Liên Sơn 1 dài 300 m và đường vào Trạm bơm Bảo Vinh với chiều dài 420 m; xây mới chợ Bảo Vinh và Phước An; bê-tông đường nội thôn Liên Sơn 2 (phục vụ cho diện tích 18 ha khu sản xuất bắp); kiên cố hóa kênh mương nội đồng thôn Phước An 1 (phục vụ cho hơn 180 ha bắp, lúa táo…), sửa chữa, nâng cấp sân phơi HTX Bảo Vinh và HTX Phước An, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. Hạ tầng nông thôn được cải thiện đáp ứng yêu cầu sản xuất, giao thương và phục vụ phát triển các chuỗi giá trị sản xuất của địa phương. Một điểm đáng chú ý nữa là trong quá trình phát triển các chuỗi giá trị, Ban Phát triển xã đã chủ động liên hệ, tạo được mối liên kết giữa nông dân với một số cơ sở, doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân. Đến nay, đã hình thành sự liên kết sản xuất lâu dài giữa Công ty TNHH Mạnh Xuân với các tổ nhóm trồng bắp của 5 thôn; Doanh nghiệp Ba Mọi với các tổ nhóm trồng táo: Phước An 1, Bảo Vinh; Doanh nghiệp kinh doanh dê cừu Triệu Tín với các tổ nhóm chăn nuôi cừu: Phước An 1, Liên Sơn 1; cơ sở lò giết mổ Hồng Loan với tổ nhóm chăn nuôi bò: Liên Sơn 2, Bảo Vinh... Qua đó, giúp các thành viên an tâm phát triển các chuỗi giá trị đã lựa chọn.

Đồng chí Trần Văn Hùng cho biết thêm: Qua 5 năm thực hiện Dự án HTTN đã tạo động lực nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.