Dự án hỗ trợ tam nông

Hiệu quả mô hình nuôi cừu sinh sản ở thôn Thái Giao

(NTO) Thôn Thái Giao là địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp của xã Phước Thái (Ninh Phước), nhờ nằm gần kênh Nam, tạo thuận lợi cho canh tác lúa. Những năm gần đây, ngoài phát triển cây trồng chủ lực (lúa), nông dân còn trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Nhờ đó, đàn gia súc có sừng tại địa phương ngày càng phát triển, đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.

Theo báo cáo khảo sát của Ban Phát triển xã Phước Thái, chăn nuôi gia súc có sừng ở thôn Thái Giao thuận lợi nhờ tận dụng các cánh đồng lúa sau thu hoạch làm nơi chăn thả; nông dân tận thu phụ phẩm nông nghiệp như lá nho, táo và các loại hoa màu khác làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, chăn nuôi ở địa phương vẫn còn hạn chế như: ảnh hưởng tập quán chăn thả quảng canh, chất lượng đàn thấp, phương thức nuôi đơn lẻ, các hộ chăn nuôi thiếu khả năng tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đàn cừu của Nhóm cùng sở thích thôn Thái Giao phát triển tốt.

Căn cứ vào kết quả khảo sát của Ban Phát triển, UBND xã đã tập trung lãnh đạo phát triển chăn nuôi, tăng số lượng đàn cừu nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Giữa năm 2014, được hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông, thôn Thái Giao thành lập Nhóm cùng sở thích nuôi cừu, gồm 18 thành viên. Đặc điểm của nhóm là đa phần các thành viên có điều kiện kinh tế khó khăn, còn thiếu vốn để phát triển. Để tạo sinh kế cho hộ nghèo, sau khi được Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) hỗ trợ 6 con cừu sinh sản, nhóm đã tổ chức họp, thống nhất nuôi theo hình thức xoay vòng. Nhờ được tham dự các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh, nên cừu sinh sản nhanh. Từ 3 hộ nuôi ban đầu, đến nay tất cả 18 thành viên đã được hưởng lợi từ chương trình.

Nhận thấy nuôi cừu đầu tư vốn ít, thời gian quay vòng nhanh, nhóm đã quyết định đầu tư làm chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để tăng đàn; đồng thời, tiến hành xây dựng kế hoạch chăn nuôi đề nghị được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Tài trợ cạnh tranh nhỏ (CSG). Đầu năm 2015, DASU huyện Ninh Phước xét duyệt hỗ trợ nhóm 90 triệu đồng để đầu tư mở rộng chăn nuôi. Anh Lê Thắng, Nhóm trưởng, cho biết: Số tiền hỗ trợ được nhóm sử dụng hợp lý; trong đó, tập trung cho việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bằng cách mua thêm 36 cừu giống chất lượng cao về thay thế những con già, suy dinh dưỡng. Nhóm cũng đã xây dựng chuồng trại tập trung, đầu tư kinh phí trồng cỏ chăn nuôi nhằm bảo đảm đủ thức ăn quanh năm cho cừu, kể cả khi hạn hán kéo dài.

Nét nổi bật trong việc thực hiện giải pháp duy trì đàn trong điều kiện nắng hạn của nhóm, đó là áp dựng mô hình chế biến thức ăn thô cho cừu, tiến hành tách đàn để có chế độ chăm sóc phù hợp… Do đó, mặc dù khu vực chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, nhưng đàn cừu vẫn phát triển tốt, đều đặn mỗi năm đẻ 2 lứa, đến nay tổng đàn cừu của 18 thành viên trong nhóm đạt gần 200 con, tăng gầp 3 lần so với ngày đầu thành lập nhóm. Anh Lê Văn Đức thuộc diện hộ nghèo, trước đây cuộc sống chỉ dựa vào trồng lúa, từ khi được DASU huyện hỗ trợ, anh có điều kiện phát triển song hành cả chăn nuôi và trồng trọt. Các hộ nghèo Lê Văn Bé, Lê Thị Được, Mai Tiến… cũng đã có thêm thu nhập từ nuôi cừu sinh sản, cuộc sống được nâng cao hơn trước.

Đồng chí Lưu Văn An, cán bộ nông nghiệp xã Phước Thái, cho biết: Ưu điểm của nuôi cừu sinh sản là phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ, tốc độ sinh sản nhanh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của Nhóm cùng sở thích là giá cừu xuống thấp, chỉ 30.000 đồng/kg thịt hơi, bằng 50% so với năm 2014. Nguyên nhân giá cừu xuống thấp là do hạn hán kéo dài, vật nuôi thiếu thức ăn, bị thương lái ép giá. Xã đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp về cơ sở hướng dẫn các hộ cải tạo, nâng cao chất lượng đàn, duy trì phát triển nuôi cừu theo hướng bền vững.