Góp sức để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

(NTO) Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 24-5-2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”; Công văn số 345-CV/TU, ngày 24-6-2011 chỉ đạo thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 61 của tỉnh gồm 11 thành viên, do đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy làm Trưởng Ban…

Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với tổ chức IDE Việt Nam triển khai thực hiện
và mở rộng Dự án “Mô hình tưới nước tiết kiệm cho hộ nông dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận”.
Trong ảnh: Nông dân thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước sản xuất theo mô hình tưới phun tiết kiệm.
Ảnh: Văn Miên

Có thể nói, qua triển khai và chỉ đạo thực hiện của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị… Đến nay, qua 3 năm thực hiện, chỉ tính về công tác tuyên truyền cùng với việc đổi mới hình thức tuyên truyền, biên soạn tài liệu, lồng ghép tuyên truyền nội dung Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào trong chương trình các lớp tập huấn, các hội thi, buổi sinh hoạt, các kênh truyền thông... của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nắm bắt những nội dung cơ bản của Kết luận và Quyết định. Ban Chỉ đạo 61 tỉnh còn mở hội nghị tập huấn, hướng dẫn, vận động các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân trên 50 lớp với hơn 2.930 lượt người tham dự. Các cấp Hội đã tổ chức trên 2.800 buổi tuyên truyền và lồng ghép với trên 171.370 lượt hội viên nông dân tham gia về các nội dung nói trên...

Qua công tác tuyên truyền đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong cộng đồng, động viên nông dân tích cực tham gia đóng góp vật chất, sức lực xây dựng nông thôn mới; niềm tin của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý điều hành của Nhà nước được củng cố và nâng lên. Song song với đó Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền các cấp tạo điều kiện; các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện 8 chương trình, dự án góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như Dự án thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Qua 2 năm hoạt động, đã tiếp nhận và giải ngân nguồn vốn cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất thông qua 28 dự án/418 hộ vay, với số tiền trên 8,24 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương là 4,973 tỷ đồng/13 dự án/239 hộ vay, ngân sách tỉnh 3,268 tỷ đồng/15 dự án/179 hộ vay), từng bước xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế như Nuôi ốc hương xã Thanh Hải; chăn nuôi bò vỗ béo xã Công Hải; Trồng cây Măng tây xanh phường Văn Hải; Sản xuất muối thương phẩm xã Nhơn Hải; Sản xuất lúa cao sản TH6 xã Bắc Sơn. Trồng hoa cúc vàng phường Mỹ Bình… để góp phần tăng thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững các cấp hội đã vận động hội viên nông dân nhân rộng các mô hình hiệu quả như huyện Ninh Phước có các mô hình: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với trên 970 ha tại các xã, thị trấn; mô hình trồng rau an toàn và trồng măng tây xanh theo hướng Vietgap ở xã An Hải; mô hình chăn nuôi dê-cừu khép kín dưới tán vườn Nho, Táo ở xã Phước Thuận, Phước Vinh; Mô hình “tưới tiết kiệm nước” ở 5 xã (An Hải, Phước Thái, Phước Hải, Phước Hữu, Phước Vinh). Ninh Hải có các mô hình như nuôi cá điêu hồng với diện tích 1,2 ha; mô hình lúa giống nguyên chủng 30ha (Xuân Hải); mô hình 17 tổ liên kết ngư dân đánh bắt trên biển; 22 tổ cộng đồng nuôi tôm…Phần lớn các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đều là những hộ nông dân cần cù trong lao động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Niềm vui được mùa lúa của nông dân xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn. Ảnh: Thanh Long

Điều cũng đáng ghi nhận là qua phong trào, các cấp hội đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất kinh doanh trong đó lấy nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt để chuyển giao khoa học- kỹ thuật; tư vấn vật tư, cây, con giống, thức ăn chăn nuôi, giải quyết hàng trăm việc làm cho lao động trong năm, góp phần tăng thu nhập cho hội viên và gia đình từ 200 đến 700 triệu đồng/năm. Hay như thực hiện Dự án tưới nước tiết kiệm (MIT), Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với tổ chức IDE Việt Nam triển khai thực hiện và mở rộng dự án “Mô hình tưới nước tiết kiệm cho hộ nông dân nghèo Nam Trung bộ tại Ninh Thuận”. Dự án đã cung cấp thông tin về tưới nước tiết kiệm cho 10.000 lượt người; bước đầu có 1.378 hộ dân tự lắp đặt và sử dụng trên diện tích 300 ha với kinh phí trên 10,754 tỷ đồng (trong đó kinh phí dự án 1,6 tỷ đồng còn lại do người dân đầu tư) ở 25 xã, phường; nổi bật xã An Hải có 422 hộ lắp đặt diện tích trên 131,66 ha, trị giá 05 tỷ đồng; có 21 hộ cận nghèo và 153 hộ nghèo được hưởng lợi với diện tích trên 8,7 ha. Qua tổng kết dự án đạt được các mục tiêu mang lại lợi ích thực sự cho nông dân, cụ thể là đã tiết kiệm 70-75% công tưới, 40-45% lượng nước tưới; tiết kiệm điện khoảng 30% so với trước. Nhờ đó, không những thu nhập tăng lên, đời sống cải thiện; đất đai được khai thác hiệu quả, dự án đã góp phần cải thiện môi trường, hạn chế nguy cơ sa mạc hóa, tác động của biến đổi khí hậu…

Hội Nông dân tỉnh còn ký kết chương trình liên tịch giai đoạn 2011-2015 với trên 25 sở, ngành trong tỉnh và triển khai thực hiện có kết quả tốt, đồng thời chỉ đạo 7 huyện, thành Hội tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các phòng, ban của huyện, thành phố.

Việc xây dựng tổ chức Hội Nông dân các cấp vững mạnh đáp ứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020 cũng được chú trọng đúng mức. Đến nay toàn Hội đã kết nạp trên 10.000 hội viên, nâng tổng số lên 72.526 hội viên toàn tỉnh đạt tỷ lệ 93,1% so với hộ nông nghiệp và đạt 47,1% so với lao động nông nghiệp…

Khó có thể nói hết những nỗ lực qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kết quả đáng kể nhất vẫn là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh về “Vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam” được nâng lên. Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức đã làm cơ sở cho hành động thiết thực của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của Hội Nông dân trong thời kỳ mới. Mặt khác, việc triển khai các chính sách và thực hiện có hiệu quả các nội dung của các chương trình, đề án đi vào cuộc sống đã góp phần tăng cường sự tin tưởng của cán bộ, hội viên nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, là cơ hội để tổ chức Hội các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, là điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân các cấp liên tịch với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong phát triển kinh tế gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.