Khi người dân thành phố đồng hành cùng nông nghiệp

(NTO) Trên tiến trình đô thị hóa, một phần đất nông nghiệp của Tp. Phan Rang- Tháp Chàm bị thu hẹp do quy hoạch xây dựng khu dân cư mới, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội.

Để bảo đảm đời sống cho bà con nông dân, TP. Phan Rang - Tháp Chàm đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, hướng tới xây dựng ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng cao, bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ, mở ra nhiều hướng làm ăn mới, giúp bà con nông dân trong vùng đô thị vươn lên làm giàu…

Làng hoa Mỹ Bình (PR-TC). Ảnh: Văn Miên

Những mô hình nông nghiệp kinh tế cao

Những ngày áp Tết, làng hoa Mỹ Bình rực lên một màu vàng óng khoe sắc dưới ánh nắng sớm mai. Nhấp nhô trong những cánh đồng hoa, những cô thôn nữ miệt mài, nhanh tay xếp hoa thành từng bó lớn đưa lên xe kịp đưa đi đến những chợ hoa ngày Tết. Chỉ tay về những luống hoa đang còn thu hoạch dở, chị Lê Thị Tiên tươi cười, trà bông này được thương lái đặt hàng để phục vụ cho ngày đưa ông táo về trời đấy chị. Còn dãy bông kia đang còn tỉa nụ nhanh cho kịp hoa ngày 30 Tết. Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất bông đạt cao, giá cả ổn định nên bà con mình cũng thu lãi khá!. Nhiều năm qua, cây cúc vàng được xem là cây xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ nông dân địa phương làm giàu. Hiện toàn phường có khoảng 15 ha diện tích trồng hoa cúc. 90% lượng hoa được các thương lái thu mua đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh bạn như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh…. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây hoa cúc có thể trồng quanh năm, mỗi vụ bông kéo dài từ 2,5 - 3 tháng. Giá bông mua xô tại vườn trung bình từ 1.800-2.000 đồng/cây. Trừ các chi phí sản xuất, trung bình mỗi sào hoa bà con lời khoảng 20 triệu đồng/vụ. Đối với các hộ giao thẳng hàng cho các hàng bông các tỉnh bạn thì giá lên đến 4.000-5.000 đồng/cây, lúc thiếu hàng, giá có thể lên đến 6.000 đồng/cây, lợi nhuận còn cao hơn nhiều.

Rời làng hoa Mỹ Bình, chúng tôi đến thăm vùng rau an toàn (RAT) Văn Hải, phường Văn Hải. Anh Nguyễn Văn Trinh, Chủ nhiệm HTX RAT Văn Hải, tay bắt mặt mừng thông báo tin vui: Sau một thời gian nỗ lực, vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức trao giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể RAT Văn Hải. Đây chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để đưa thương hiệu RAT của HTX vang xa, tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án, mô hình, giống cây trồng mới vào sản xuất, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con xã viên. Vậy là năm nay, bà con mình ăn Tết vui hơn mọi năm rồi… Hiện nay, ngoài một số loại rau như: cà rốt, cà, ớt, rau thơm, củ cải… 2 loại cây trồng chủ lực của HTX là cây cải thìa và rau húng quế, chiếm hơn 5 ha trên tổng diện tích. Phần lớn lượng rau của HTX được đưa đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối các tỉnh bạn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… với tổng sản lượng khoảng gần 3.000 tấn/năm, trong đó rau cải trên 1.000 tấn, rau quế 1.200 tấn, cà chua 300 tấn, ớt 100 tấn… Dẫn chúng tôi tham quan hơn 2 sào cải thìa Tết xanh mướt, ông Phạm Văn Chính, một xã viên vui vẻ cho biết: Đặc tính các loại rau màu thường dễ trồng, ít công đầu tư chăm sóc, thời gian thu hoạch lại ngắn nên xoay vòng vốn rất nhanh. Đặc biệt từ khi áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất RAT, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn hẳn. Hiện mỗi sào đất gia đình tôi thu khoảng 3 tấn rau/vụ, trừ chi phí sản xuất, mỗi vụ cho lãi từ 2,5-3 triệu đồng/sào. Vậy nên, cứ nhìn 2 sào rau nho nhỏ thế thôi chứ đều đều mỗi tháng cho thu nhập 5,6 triệu đồng đấy!.

Nông dân phường Bảo An trồng táo đạt hiệu quả kinh tế cao bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.
Ảnh: Sơn Ngọc

Một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Tp. Phan Rang- Tháp Chàm là cây măng tây xanh. Theo thống kê thì hiện tổng diện tích cây măng tây xanh của toàn thành phố lên đến trên 10 ha tập trung ở phường Văn Hải, xã Thành Hải. Ước tính giá trị sản xuất của cây măng tây xanh đạt gần 950 triệu/ha. Sản phẩm bà con sản xuất đều được công ty Việt Hoa Mỹ bao tiêu sản phẩm đưa đi tiêu thụ ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Anh Nguyễn Ngọc Trương, một hộ trồng măng tây xanh phường Văn Hải cho biết: Thấy cây măng tây xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao nên một năm trước tôi quyết định chuyển 1 sào đất trồng rau của gia đình sang trồng loại cây này. Trung bình mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 10 kg măng tây, với giá 60.000 đồng/kg loại 1; 40.000 đồng/kg loại 2, trừ đi chi phí sản xuất, mỗi ngày, trung bình gia đình tôi thu lại khoảng 300-400.000 đồng/sào. Vừa qua, gia đình tôi còn thuê thêm 2 sào đất để mở rộng diện tích.

Định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2015

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã xác định phấn đấu đến năm 2015, sẽ đưa thành phố đạt tiêu chuẩn loại II, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, du lịch, tuy nhiên, tỷ trọng ngành Nông nghiệp vẫn chiếm khoảng 5% trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố. Như vậy, để bảo đảm đời sống cho người dân trong vùng sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp, đòi hỏi thành phố cần phải có định hướng đúng đắn, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đề nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội. Xác định được điều đó, vừa qua, TP. Phan Rang- Tháp Chàm đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong quá trình xây dựng Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đạt tiêu chuẩn loại II vào năm 2015”. Ngoài việc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thành phố đẩy mạnh triển khai các mô hình có giá trị kinh tế cao, tiếp tục mở rộng nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hệ thống kênh mương, đường giao thông liên phường, xã; kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo dự án của tỉnh. Chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” nhằm thực hiện tốt từ khâu sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm. Rà soát lại một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực để giúp nông dân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, hội nhập với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hướng mạnh việc nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố ước đạt trên 280 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 3-4%/năm, giải quyết cho 16,5% lao động xã hội; nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của các hộ nông nghiệp của thành phố bằng 1,4 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người chung của cả tỉnh.