Phước Đại có 935 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Số hộ nghèo hiện nay còn 508 hộ/2082 nhân khẩu, chiếm 54,3%. Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung xây dựng các giải pháp phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
Mùa thu hoạch bắp của nông dân xã Phước Đại. Ảnh: Sơn Ngọc
Trao đổi với chúng tôi về tình hình xây dựng nông thôn mới, đồng chí Lê Nhượng, Chủ tịch UBND xã Phước Đại cho biết: Chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới là chủ trương hợp lòng dân, tạo điều kiện để nâng cao đời sống mọi mặt cho nông dân địa phương. Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ và UBND huyện, lãnh đạo xã đang tiến hành lập Đề án Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đến năm 2015, gồm: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội môi trường theo chuẩn mới; Quy hoạch phát triển các khu dân cư. Theo kế hoạch trong quí IV năm 2012, hoàn thành quy hoạch tổng thể làm cơ sở để triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2015 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua khảo sát thực tế đến nay xã mới đạt 03/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành, gồm: Điện (tiêu chí 4), bưu điện (tiêu chí 8), an ninh- trật tự xã hội (tiêu chí 19), trong đó có 2 tiêu chí do nhà nước đầu tư. Từ nay đến năm 2015, xã phải hoàn thành 16/19 tiêu chí mà những tiêu chí còn lại ngoài sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, các thành phần kinh tế thì sự nỗ lực của người dân mang yếu tố quyết định như giáo dục, y tế, môi trường, lao động, thu nhập….Đây thực sự là bài toán khó đối với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Phước Đại trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của UBND xã nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới đối với xã Phước Đại năm 2012 là khá lớn: Từ chương trình tam nông do Chính phủ Pháp tài trợ khoảng 1,4 tỷ đồng, chương trình nông thôn mới cho bê tông hoá đường thôn xóm 400 triệu đồng. Cái khó khăn hiện nay đối với xã là: Xây dựng nông thôn mới thời gian qua thiếu định hướng cụ thể, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực để triển khai thực hiện. Nguổn lực để xây dựng nông thôn mới rất lớn, trong đó phát huy nội lực là chính mới bảo đảm tính bền vững lâu dài nhưng nhận thức của người dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Chúng tôi được biết năm 2011, tỉnh phân bổ 205 triệu cho mô hình trồng lúa nước. Qua kết quả trình diễn, thử nghiệm và chuyển giao mô hình trồng 25 ha lúa nước của 89 hộ dân chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo với năng suất đạt 45 tạ/ha sau khi chuyển giao lại cho người dân thì chỉ còn đạt 1,5 tạ/ha. Thực tế trên cho thấy tính bền vững nhân rộng của mô hình trồng lúa nước chưa đạt mong muốn. Qúa trình triển khai mô hình cho thấy do nhận thức và tập quán sản xuất những hộ dân Raglai tham gia mô hình chỉ thực hiện tốt các khâu kỹ thuật từ gieo trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch khi có cán bộ khuyến nông cầm tay, chỉ việc, chưa đủ sức tự mình tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp từ mô hình và ứng dụng vào thực tế. Kết quả trên phản ánh trình độ sản xuất của người dân còn mang nặng dấu ấn của sản xuất tự cung, tự cấp và chưa hình thành thói quen sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể. Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cây trồng vật nuôi. Thiết nghĩ đối với đồng bào Raglai xã Phước Đại là sớm hình thành các tổ hợp tác và tiến lên xây dựng hợp tác xã. Qua đó thực hiện phân công lao động, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, quản lý tư liệu sản xuất, vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ người dân vào sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Sản xuất hợp tác theo mô hình từ cấp thấp đến cấp cao cũng là cách thức nhanh nhất để nâng dần trình độ canh tác của bà con Raglai, qua đó nâng cao năng suất và thu nhập, ổn định đời sống nông dân, góp phần xây dựng giai cấp nông dân ngày càng trưởng thành về mọi mặt.
Để xã miền núi Phước Đại đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, ngoài sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã thì sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện, các doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và bộ mặt nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bảo Ngọc