Phước Tiến: Nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo

(NTO) Trong những năm qua, xã Phước Tiến (Bác Ái) luôn tập trung nguồn lực nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào Raglai có điều kiện kinh tế khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ các chính sách và nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo, xã đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với thực tế địa phương, qua đó, góp phần giảm hộ nghèo xuống 44,3%.

Xã Phước Tiến có 1.110 hộ/4.115 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Raglai chiếm trên 85% dân số. Cuộc sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn khi đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Trao đổi với chúng tôi về công tác giảm nghèo ở địa phương, đồng chí Huỳnh Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tiến cho biết: Xác định “chìa khoá” cho quá trình xoá đói, giảm nghèo là nâng cao dân trí, thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp cho người dân nên xã đã tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ vay vốn ưu đãi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ phát triển các tổ, nhóm sản xuất; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, qua đó, tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững...Đồng thời, xã thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo ở từng gia đình, từng thôn, từ đó đồng hành cùng người dân tháo gỡ khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.

Người dân phấn khởi nhận hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà từ các
chương trình, dự án của Nhà nước.

Không chỉ tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, địa phương còn đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi nhằm tận dụng diện tích cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài sự hỗ trợ kinh phí từ các chương trình, dự án của Nhà nước, địa phương còn huy động nguồn lực từ Nhân dân để tiến hành cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa các tuyến kênh mương phục vụ hoạt động tưới tiêu trên các diện tích gieo trồng của nông dân. Các hệ thống công trình thủy lợi từng bước được hoàn thiện, không chỉ giúp địa phương mở rộng diện tích gieo trồng, đảm bảo thời vụ, mà còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Hiện nay, xã Phước Tiến có hàng chục tuyến kênh mương được bê tông, nâng cấp mở rộng, với tổng chiều dài gần 9 km đang phục vụ tưới tươi nhiều vùng đất khô cằn, nhờ đó, đem lại những vụ mùa bội thu cho người dân nơi đây. Từ lợi thế trên, đến nay địa phương đã phát triển hơn 405 ha lúa nước, 280 ha bắp lai, thông qua đó, người dân tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp thành nguồn thức ăn sẵn như rơm khô, các loại bắp, cỏ… để phát triển chăn nuôi gia súc. Tính đến nay, tổng đàn gia súc tại địa phương có trên 12.120 con đang phát triển ổn định, góp phần nâng thu nhập cho các hộ dân.

Bên cạnh đó, địa phương sử dụng và phân bổ hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới, nhờ đó hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhiều hộ dân, đồng thời, đầu tư bê tông hóa tuyến đường nông thôn, y tế, trường học, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao dân trí, lưu thông, trao đổi hàng hóa. Đến với Phước Tiến hôm nay, xã đang thay đổi từng ngày và có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về kinh tế và xã hội, nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế tại địa phương. Đời sống được nâng cao, bà con ở đây cũng hăng hái, tích cực hơn trong lao động, sản xuất, tham gia đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.