Những ca từ đánh mất tuổi thơ

Có cô bé, cậu bé phát âm còn ngọng nghịu nhưng khi hỏi em thuộc bài nào nhất, em hay hát những bài nào thì chắc chắn có người phải giật mình khi câu trả lời là: Vầng trăng khóc, Mưa trên cuộc tình, Cầu vồng khuyết...

Vừa đi làm về, đang loay hoay mở cửa, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng hát của cậu bé nhà hàng xóm: “Em ơi! Em ơi! Lòng anh đang chơi vơi…”. Cậu bé mới 5 tuổi, giọng còn bập bẹ chưa rõ tiếng nhưng lại thuộc cả một đoạn dài bài hát với những ca từ yêu đương rất thống thiết. Cả nhà bé nghe tiếng hát "dễ thương" đó thì đều cười và vỗ tay hưởng ứng rất nhiệt tình. Mẹ của bé còn khoe: “Cháu thuộc nhiều bài hát lắm, chỉ cần nghe trên ti-vi hát một vài lần là hát theo được, giọng trẻ con dễ thương ,“lạ lạ, hay hay”. Cũng chính bởi cái “lạ lạ, hay hay” đó nhiều phụ huynh đã vô tình ủng hộ con trẻ quên đi những bài hát tuổi thơ của mình và làm các em quen dần với những lời bài hát chỉ dành riêng cho người lớn.

Những chương trình ca nhạc thiếu nhi thật sự cần thiết với trẻ em.

Bài hát người lớn ở đây chính là những lời hát về tình yêu, về những cuộc tình tan vỡ, với những giai điệu ỉ ôi hay gào thét đầy tâm trạng. Có cô bé, cậu bé phát âm còn ngọng nghịu nhưng khi hỏi em thuộc bài nào nhất, em hay hát những bài nào thì chắc chắn có người phải giật mình khi câu trả lời là: Vầng trăng khóc, Mưa trên cuộc tình, Cầu vồng khuyết… Thậm chí với các em nhỏ hơn thì dẫu không biết rõ tên bài hát nhưng những câu điệp khúc như: “Đến bao giờ mới được có em…., nhớ một người, chỉ một người thôi… lại trở thành những câu hát quen thuộc của các em.

Trò chuyện với một số phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi tôi thật sự bất ngờ khi hầu hết họ đều cho biết không quan tâm lắm đến việc con mình hát những bài hát gì. Chị T. có con đang học mẫu giáo ở phường Mỹ Bình nói: “Thấy cháu hay hát, nhớ lời bài hát rất nhanh thì tôi cũng vui thôi. Với lại, trẻ con còn nhỏ, chỉ hát vậy thôi chứ các cháu có hiểu gì đâu…”. Còn anh Phạm Mạnh Tuấn, phụ huynh có con trai đang học lớp 3 thì cho biết: “Mỗi lần gia đình hát karaoke cháu đều cầm mic hát theo. Thấy giọng cháu hát dễ thương, nên cả nhà tôi có khi còn khuyến khích cháu hát cho vui!”.

Vậy mới thấy, việc trẻ em hát bài hát người lớn không còn là chuyện xa lạ hay hiếm có gì. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc các em hát những ca khúc không dành cho lứa tuổi của mình như vậy có ảnh hưởng gì hay không? Hiện chưa có nghiên cứu chuyên môn nào về tác hại của những ca từ dành cho người lớn với trẻ nhỏ, nhưng thực tế có thể dễ dàng nhận thấy những lời yêu đương ủy mị trong các ca khúc sẽ làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ. Trẻ nhỏ vốn học theo rất nhanh những gì nghe và nhìn thấy. Những ca từ trong sáng, lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi của các cháu cũng sẽ góp phần hình thành suy nghĩ, nhân cách tốt đẹp cho trẻ.

Cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay các chương trình ca nhạc cũng như các ca khúc dành cho thiếu nhi vừa thiếu và hiếm. Trong khi đó, bài hát của người lớn với những ca từ về tình yêu, về những cuộc tình tay ba, tan vỡ lại nhan nhản trên đài, ti-vi và các loại băng đĩa. Đó là còn chưa kể đến ngày ngày các em nghe trực tiếp bố mẹ, anh chị mình hát, rồi những bài hát trong nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại... Tất cả ngày ngày đập vào tai các em và đó cũng chính là cách dạy hát nhanh nhất khiến các em nhanh thuộc, nhanh nhớ. Trẻ em hiện nay, đặc biệt là ở các vùng nông thôn đang có quá ít sự lựa chọn về những bài hát mà mình yêu thích hay phù hợp với lứa tuổi của mình mà phải là có gì nghe đó”, thậm chí không nghe cũng phải nghe khi mà những ca khúc người lớn ngày càng trở nên phổ biến. Những chương trình ca nhạc thiếu nhi trên các phương tiện thông tin đại chúng không phải là không có nhưng vừa ít lại vừa lặp đi lặp lại hoặc không hấp dẫn với lứa tuổi các em.

Âm nhạc có sức mạnh rất lớn trong việc hình thành tính cách cho con trẻ. Từ xa xưa, ông bà ta đã lưu truyền những câu hát ru với những lời ca trong sáng, mượt mà… Âm nhạc không thể thiếu trong đời sống con người, với trẻ em cũng vậy. Vì thế, thay vì cười xoà hay vô tư vỗ tay ủng hộ con cháu mình hát những bài hát người lớn, các bậc cha mẹ hãy dạy cho con nghe những bài nhạc lành mạnh, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi của các cháu.

Bích Thủy




  

 
  • Thai Son Ngoc
    Giáo dục văn hóa dân tộc cho trẻ thơ<br />Tôi rất tâm đắc khi đọc bài viết Ca từ đánh mất tuổi thơ của Bích Thủy đăng trên Ninh Thuận online. Tác giả cảnh báo trẻ em đang bị “nhiễm” bởi những lời hát có nội dung tình cảm bi lụy của người lớn. Một số bậc phụ huynh lấy tiếng hát bi bô của con trẻ làm niềm vui “lạ lạ, hay hay” vì cháu thuộc nhiều bài hát người lớn. Đây là một thực trạng đáng lo ngại cần được sự quan tâm chăm lo của xã hội giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc Việt cho trẻ thơ. <br /> Văn hóa truyền thống dân tộc Việt chính là lời mẹ hát ru con, là tiếng hát đồng dao hồn nhiên của trẻ thơ. Có lẽ lớp người tuổi U40 -50 trở về trước như chúng tôi may mắn được hưởng tiếng hát ru ngọt ngào ấm áp tình yêu thương của mẹ. Trẻ em bây giờ thiếu vắng lời ru của các bà mẹ trẻ. Trẻ thơ lớn lên từ các băng đĩa được các bà mẹ mở “oang oang” để ru con? Còn đâu lời ru bằng những câu ca dao chữ nghĩa lấp lánh đẹp tựa trăng rằm:” Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Hoặc: “ Ầu ơ… trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng, bông trắng, lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”… Và chúng tôi may mắn được chơi đùa hồn nhiên bằng những bài hát đồng dao vần điệu lăng líu gắn liền với các trò chơi dân gian được truyền từ đời này sang đời khác. Thật đẹp đẽ đáng yêu sao những câu hát đồng dao:” Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm. Lấy rơm đun bếp”. Hoặc:” Trời mưa lâm dâm. Cây trâm có trái. Con gái có duyên. Đồng tiền có lổ. Bánh tổ thì ngon. Bánh dòn thì béo. Cái kéo thợ may. Cái cày làm ruộng. Cái xuổng đắp bờ. Cái lờ thả cá. Cái ná bắn chim...”. Các trò chơi dân gian như trồng cây chuối, bịt mắt bắt dê, giật cờ, đánh chắt đánh chuyền…cũng đang dần bị “thất truyền”. Trong vài năm gần đây, các trường học đang bắt đầu sưu tầm khôi phục đưa trò chơi dân gian vào học đường. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy có muộn nhưng còn hơn không. <br /> Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng:”Chúng ta cần sớm khai thác lại những giá trị của đồng dao, khơi lại cái thú của trẻ em đối với đồng dao. Bởi đồng dao là bài học chập chững sơ khai về cuộc sống, là lần đầu tiên trong đời các cháu học và tự mình thực hành và... trong thực hành ấy, các cháu tự bịa (tức là "tự sáng tạo") ra các bài hát, trò chơi, điệu múa cho riêng mình. Thông qua đồng dao trẻ nắm được tổng hợp những kiến thức về môi trường, trời đất, bạn bè, tộc họ; trẻ em được luyện ngôn ngữ, luyện nhanh tay nhanh mắt, luyện ăn nói lưu loát và chuẩn xác; luyện tinh thần tập thể... Thật là thiệt thòi cho những đứa trẻ sinh ra mà lại không được biết tới những trò đồng dao như xỉa cá mè đè cá chép, trồng nụ trồng hoa, chơi trò con trâu làm bằng cái lá đa buộc chỉ... Những kiến thức, những bài học và một ký ức tuổi thơ như thế, khó có một thứ trường lớp hay nhà văn hóa nào có thể thay thế hết được. Phải trả những gì là của trẻ em về cho trẻ em”.<br /> Để giúp cho tâm hồn trẻ thơ phát triển toàn diện, theo chúng tôi không chỉ cần lời hát đồng dao vui tươi hồn nhiên mà còn cần có tiếng ru ngọt ngào dạt dào tình yêu thương của mẹ. Muốn vậy, ngay từ bây giờ các nhà nghiên cứu văn hóa và các tổ chức đoàn thể cần sưu tầm, quảng bá khôi phục lời hát ru con và tiếng hát đồng dao gắn với các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Từ bài viết mang tính khơi gợi ban đầu của tác giả Bích Thủy, chúng tôi mong rằng bạn đọc tiếp tục có những bài viết tham gia mục diễn đàn trên Ninh Thuận online nhằm góp phần giáo dục văn hóa dân tộc Việt cho trẻ thơ. <br />Sơn Ngọc <br /><br /> <br /><br /><br /> <br /><br />
    thaisonngoc@gmail.com