Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ hàng nông sản

(NTO) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân là chủ trương xuyên suốt của tỉnh nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Hướng tới mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh chuyển đổi 2.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước, có giá trị kinh tế cao, thời gian qua ngành chức năng, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đạt được những kết quả nhất định.

Khởi nguồn của thành công đó là nhờ làm tốt công tác hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nên ngày có càng nhiều doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã ký kết thu mua sản phẩm cho nông dân ở những vùng chuyển đổi với khối lượng ngày càng lớn. Theo báo cáo, năm 2017, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương thống nhất tiếp tục kết nối với Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố thu mua 39,850 tấn đậu xanh, 16 tấn bắp hạt với giá cao hơn ngoài thị trường 10% ở thời điểm hiện tại. Riêng mô hình củ kiệu là đối tượng cây trồng mới đưa vào sản xuất ở xã Lương Sơn (Ninh Sơn), Phước Đại (Bác Ái) có 2 tư thương trực tiếp ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với số lượng 60 tấn, mang lại nguồn thu lớn cho các nông hộ tham gia mô hình.

Nông dân huyện Ninh Phước chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai mang lại thu nhập cao.

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Thu nhập từ cây trồng cạn tăng gấp 2 lần so với trồng lúa trước đây đã chứng minh chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang canh tác cây trồng ít sử dụng nước của tỉnh là đúng hướng, các địa phương cần tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẻ hơn. Tuy vậy, quá trình thực hiện chương trình còn gặp những khó khăn nhất định, đang là rào cản cần sớm được tháo gỡ. Hạn chế đầu tiên là các huyện xác định khu vực chuyển đổi cây trồng không tập trung, manh múm, nhỏ lẻ, vùng chuyển đổi thiếu ổn định, do đó doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất vùng nguyên liệu. Trong khi đó, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẽo, nông dân ít chú trọng sản xuất những sản phẩm thị trường cần, dẫn đến các thành phầm tham gia chuỗi giá trị chưa có “tiếng nói chung”.

Năm 2018, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng theo hướng hình thành những vùng sản xuất tập trung, duy trì liên tục, nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Theo đó, diện tích đất lúa chuyển đổi dự kiến cả năm là 750,7 ha; trong đó, cây dài ngày (nho, táo, măng tây xanh, bưởi, cỏ chăn nuôi) 392,7 ha, diện tích còn lại chuyển đổi theo hình thức luân canh (vụ đông - xuân trồng lúa, vụ hè- thu trồng bắp, đậu xanh, vụ mùa trồng lúa). Để đạt được mục tiêu kế hoạch, giải pháp ngành Nông nghiệp đưa ra là mời gọi các doanh nghiệp ký kết thu mua hết sản phẩm ở những vùng chuyển đổi ngay từ đầu vụ để nông dân an tâm đầu tư mở rộng sản xuất quy mô hàng hóa. Chủ động tổ chức rà soát, xác định vùng, đối tượng cây trồng, đề xuất nhu cầu, hưởng lợi chính sách ưu đãi theo tinh thần Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 để nông dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng theo kế hoạch đề ra. UBND các xã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chủ động liên kết với doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, cam kết bao tiêu sản phẩm một cách chặt chẽ, nhằm củng cố niềm tin vững chắc để nông dân an tâm chuyển đổi cây trồng lâu dài, ổn định.

Với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp là chuyển đổi cây trồng cạn có hiệu quả, từ đầu vụ đông - xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện trên địa bàn tỉnh tích cực vào cuộc giúp nông dân chuyển đổi cây trồng có hiệu quả. Huyện Bác Ái trước đây gặp khó khăn về công tác chuyển đổi cây trồng do nông dân còn ảnh hưởng tập quán sản xuất lạc hậu, nhưng hiện nay nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, các hộ thực hiện chuyển đổi cây trồng trong vụ đông - xuân cơ bản đạt diện tích theo kế hoạch. Huyện tổ chức ký kết với 3 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm mì, mía đường, hạt điều cho nông dân. Các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải cũng đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo thành phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, lan tỏa rộng khắp.