Phước Thuận: Tìm hướng đi mới cho cây nho

(NTO) Phước Thuận (Ninh Phước) là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cây trồng nông nghiệp. Phát huy lợi thế này, vài năm trở lại đây, xã Phước Thuận đã tập trung quy hoạch lại các vùng chuyên canh trồng nho, giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Xã Phước Thuận được xem là địa phương có diện tích trồng nho lớn nhất của huyện Ninh Phước, với diện tích khoảng 180 ha. Hằng năm cung cấp ra thị trường hơn 2.000 tấn nho. Tuy nhiên, để tìm hướng đi mới cho cây nho phát triển bền vững ở địa phương, thời gian qua, xã Phước Thuận đã tập trung quy hoạch lại vùng sản xuất nho sạch gắn với phát triển du lịch sinh thái; vận động nông dân đưa các giống nho mới vào trồng và hình thành các tổ sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nho. Theo đó, trong quy hoạch sản xuất, xã định hướng xây dựng vùng trồng nho tập trung trên diện tích 80 ha, trong đó bước đầu trồng 30 ha nho theo mô hình VietGAP tại thôn Phước Khánh.

Nông dân thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận trồng nho theo
hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để thực hiện bước đi mới này, xã Phước Thuận đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Ninh Phước triển khai mô hình trồng nho VietGAP cho các hộ dân ở thôn Phước Khánh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các nông hộ được hướng dẫn về quy trình sản xuất nho an toàn như: bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...đến quy trình kiểm định sản phẩm trước khi thu hoạch nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Đồng thời, triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm cho nông dân, nhằm giảm bớt chi phí trong sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng trên cùng một diện tích. Nhờ đó, qua các vụ sản xuất cho thấy, hầu hết các nông hộ đã áp dụng đúng quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng nhóm trồng nho sạch cho biết: Mặc dù quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP rất nghiêm ngặt nhưng đã giúp các nông hộ thay đổi được tập quán sản xuất cũ, có cơ hội nắm bắt được kỹ thuật mới, kiểm soát được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, đảm bảo theo tiêu chuẩn sản xuất nho sạch, vì vậy năng suất và chất lượng đạt hơn nhiều. Bên cạnh đó, khi tham gia mô hình này, sản phẩm nho được các doanh nghiệp như: Trang trại nho Ba Mọi, Thiên Thảo...thu mua nho sạch cho các nông hộ. Hiện tại 3 sào nho của gia đình đang được áp dụng theo mô hình VietGAP và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm nên hiệu quả cao hơn nhiều, chất lượng trái to và nặng hơn, năng suất đạt 3 tấn/sào/vụ, tăng 20% so với cách trồng nho truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: Việc cụ thể hóa kế hoạch phát triển bền vững cây nho trên địa bàn không chỉ khôi phục dần diện tích trồng nho trước đây mà còn giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác, tiếp cận và nâng cao kỹ thuật, quy trình chăm sóc để cho ra sản phẩm nho có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Không những vậy, địa phương còn vận động các nông hộ phát triển thêm mô hình sản xuất nho kết hợp với du lịch sinh thái vườn, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần quảng bá thương hiệu nho Phước Thuận nói riêng và của tỉnh nói chung.

Từ điểm nhấn trồng nho tập trung ở thôn Phước Khánh, để cụ thể hóa kế hoạch phát triển bền vững cây nho ở địa phương, trong thời gian tới, xã Phước Thuận xác định đưa cây nho trở thành cây trồng chủ lực để đầu tư mở rộng vùng chuyên canh. Để thực hiện có hiệu quả hướng đi này, xã tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP lên 80 ha trong năm 2018 để nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” để thực hiện tốt từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các ngành chuyển giao quy trình kỹ thuật và vận động nông dân chuyển dần sang trồng giống nho mới cho năng suất, chất lượng cao thay thế các giống nho đang có những biểu hiện thoái hóa; hình thành thêm các tổ sản xuất nho VietGAP. Cùng với đó, xã đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp như: Trang trại nho Ba Mọi, Thiên Thảo...để thu mua sản phẩm nho sạch cho nông dân. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch và các đơn vị lữ hành trong tỉnh kết nối tua du lịch đưa khách về tham quan vườn nho tại địa phương. Với nỗ lực, quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân trong việc tìm hướng đi mới cho cây nho đã mở ra triển vọng mới cho vùng nho Phước Thuận, góp phần nâng cao đời sống của nông dân.