Thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa khô

(NTO) Mới bước vào đầu mùa khô năm 2018, nhưng nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh ta đã nằm trong tình trạng báo động cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm nay, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thiều, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xung quanh vấn đề này.

              Ông Phạm Thiều,
        Phó Chi cục trưởng,
      Chi cục Kiểm lâm tỉnh

Phóng viên: Xin ông cho biết diễn biến mùa khô năm nay và tình hình rừng trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?

Ông Phạm Thiều: Mùa khô năm nay đến sớm và được dự báo rất phức tạp, tình hình nắng hạn có thể kéo dài thêm nhiều tháng do chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều của những tháng cuối năm 2017. Nhiều tuần qua, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuất hiện nắng nóng liên tục, không khí khô hanh kéo dài cùng với độ ẩm thấp nên rất nhiều diện tích thảm thực vật, rừng tự nhiên tại nhiều địa phương đã khô. Tính đến cuối tháng 2, toàn tỉnh đã xảy 5 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại gần 5 ha. Qua tính toán cấp dự báo cháy rừng và các chỉ tiêu khô hạn ở tỉnh ta, kết hợp với quan sát, theo dõi thực tế tình trạng khô hạn ở những khu vực có rừng trên địa bàn tỉnh, từ ngày 26-2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thông báo cấp dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh tăng lên cấp IV, riêng hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái đã tăng lên cấp V (đây là cấp cực kỳ nguy hiểm, thời tiết khô, hạn kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng).

Phóng viên: Hiện nay khu vực nào trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhất và đâu là nguyên nhân?

Ông Phạm Thiều: Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy các vụ cháy rừng thường xuyên xuất hiện ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Phước. Các vụ cháy thường xảy ra tại các khu rừng khộp, đặc biệt là ở hiện trạng RII, nơi có các cây họ dầu tái sinh. Những khu vực thường hay xảy ra cháy gồm: Tiểu khu 48, 49 (xã Phước Thành); tiểu khu 59, 70, 60a, 60b (xã Phước Đại); tiểu khu 36b, 42, 37a (xã Phước Tân); tiểu khu 9, 11, 15, 16 (xã Phước Bình)…thuộc huyện Bác Ái và các tiểu khu 106, 103a, 103b (xã Hòa Sơn); tiểu khu 105a, 108, 109, 115 (xã Ma Nới, Ninh Sơn).

Cán bộ Trạm kiểm lâm Phước Trung (Bác Ái) kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ảnh Tiến Mạnh.

Trong số 5 vụ cháy từ đầu mua khô đến nay cũng chủ yếu tập trung tại những khu vực trên. Qua đánh giá và xác minh, các vụ cháy phát sinh chủ yếu là do sự bất cẩn của người dân, chưa có vụ cháy nào do thiên tai gây ra. Vào mùa khô, một bộ phận người dân tại các khu vực miền núi thường xuyên phát dọn đốt nương rẫy gây cháy lan, một số đối tượng khác khi vào rừng sử dụng lửa nhưng lại không dập tắt nên gây ra cháy.

Phóng viên: Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, phương án PCCCR năm nay được triển khai như thế nào?

Ông Phạm Thiều: Để chủ động công tác PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, các địa phương, đơn vị chủ rừng đều đã xây dựng phương án rất cụ thể, phù hợp với tình hình điều kiện của từng đơn vị. Các phương án này đều đã được UBND tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí để triển khai kịp thời. Trên tinh thần đó, các địa phương đã thành lập các Ban chỉ huy bảo vệ rừng và PCCCR các cấp; củng cố và tăng cường lực lượng cho các các tổ, đội PCCCR ở cơ sở; xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát PCCCR, phấn đấu hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra trên tinh thần tích cực, chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trong phương án PCCCR năm nay, chủ yếu vẫn là tập trung tuyên truyền giáo dục, lâm sinh, xây dựng bản đồ PCCCR, tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng. Tuy nhiên, như đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng vẫn là do sự bất cẩn của người dân, do đó năm nay, công tác tuyên truyền được chú trọng và đổi mới hơn. Ngoài việc xây dựng thêm các bảng pa nô tại các khu vực, cộng đồng thôn đồng bào dân tộc thiểu số, trong quá trình tuyên truyền chúng tôi sử dụng băng hình và tiếng động bằng chính ngôn ngữ của bà con để mọi người dân đều hiểu. Bên cạnh đó, cũng gắn trách nhiệm cụ thể hơn đối với các tổ, cộng đồng nhận giao khoán giữ rừng, cùng một số cam kết như: đảm bảo không để bà con tự ý đốt rẫy khi chưa có sự cho phép hoặc hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm địa bàn, không vào rừng giờ cao điểm, báo cháy và tham gia chữa cháy kịp thời ngay khi phát hiện… Ngoài ra, một điểm mới nữa đó là chúng tôi đã giao trách nhiệm cụ thể cho những người đứng đầu của 7 đơn vị chủ rừng hiện có trên địa bàn tỉnh, họ phải là người trực tiếp tham gia trực 24/24 tại những khu vực rừng trọng điểm đã có thông báo cấp V trên lâm phần mà đơn vị mình quản lý, để khi có sự cố cháy xảy ra việc huy động, chỉ đạo các lực lượng ứng cứu sẽ linh động và kịp thời hơn. Qua theo dõi của ngành, nhờ chủ động các phương án nên các diện tích cháy từ đầu mùa khô đến nay đều được xử lý kịp thời, diện tích cháy cũng chỉ lướt tán dưới mặt đất.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!