Nghề làm chổi đót dịp Tết

(NTO) Trở thành thông lệ mỗi khi Tết đến, Xuân về, không khí lao động, sản xuất của các hộ dân làm nghề chổi đót ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) lại rộn ràng và tất bật hơn hẳn, nhằm phục vụ nhu cầu của mọi nhà. Thêm một mùa chổi đót “đắt khách” càng giúp người dân nơi đây thêm phấn khởi đón chào một mùa Xuân no ấm.

Là vụ làm chổi đót chính của cả năm, những ngày giáp Tết, người dân địa phương không chỉ bận rộn với việc bó chổi mà còn cả thu hoạch đót. Vì chỉ vào mùa xuân, nguồn bông đót mới xuất hiện tại địa phương, do đó, bà con phải nhanh chóng gặt đót về dự trữ để làm nguyên liệu cho cây chổi. Đây chính là lý do, mà chỉ đúng vào dịp xuân về, chúng tôi mới bắt gặp cảnh những hàng đót xanh mướt được phơi trước hiên mọi nhà, tạo nên khung cảnh nên thơ mà ít nơi có được. Gặp ông Võ Nhị, thôn Lâm Hòa, một trong những người làm chổi đót lâu năm của địa phương, ông cho biết: Với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ nên chỉ có vùng Lâm Sơn mới có nguồn đót dồi dào và chất lượng để duy trì làng nghề. Từ những ngày lập làng, lập xóm, nghề làm chổi đót cũng hình thành từ đó. Nhưng phát triển chỉ có 10 năm trở lại đây, ngày trước, chổi đót chỉ bán trong làng, trong xóm, nay khác rồi, chổi của chúng tôi đã vươn xa ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ việc “làm chơi”, đến nay, chúng tôi có thể làm giàu từ nghề này.

Người dân phơi bông đót.

Đối với bà con địa phương, từ người già cho đến trẻ em đều có thể làm ra chổi đót bởi vì công việc khá nhẹ nhàng. Trẻ nhỏ thì bóc tách đót, người lớn thì vót tre, bện chổi, cùng với đó, nghề lại tận dụng tối đa mọi thời gian, ban ngày, ban đêm, kể cả những lúc chuyện trò trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống cũng làm ra sản phẩm, vì thế mà nghề làm chổi đót đã gắn bó lâu dài với người dân địa phương. Những năm gần đây, để mở rộng quy mô sản xuất, bà con chủ động đa dạng mẫu mã, chủng loại để đáp ứng nhu cầu của thị trường với các loại chổi như: chổi đót dạng thép, dây, chổi chà, chổi nilông…Tuy nhiên, họ vẫn chọn cách làm thủ công để chổi đót vừa bền, chắc, đẹp, vừa tạo nét đặc trưng riêng cho sản phẩm địa phương.

Không khí làm việc tất bật, nhộn nhịp bao trùm khắp 3 thôn: Lâm Hòa, Lâm Quý, Lâm Bình. Mỗi người một công đoạn: quấn dây, bó đót… ai nấy đều chuyên tâm với công việc của mình. Chị Phan Thị Liên, thôn Lâm Quý chia sẻ: Ngày thường, cả gia đình chỉ làm ra khoảng 50 cây chổi/ngày, nhưng những ngày giáp Tết số chổi làm ra tăng gấp 3-4 lần mới đủ cung cấp cho thị trường. Do đó, ngay từ đầu năm, gia đình phải trữ hơn 1 tấn đót để làm. Tùy theo nhu cầu của khách đặt mà giá chổi dao động từ 40-60 ngàn đồng/chiếc. Những năm gần đây, số lượng đặt hàng chổi liên tục tăng nhanh đã giúp gia đình tăng thêm thu nhập trong dịp Tết.

Đồng chí Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: Năm 2012, UBND xã đã thành lập Tổ liên kết làm chổi đót với 16 hộ thành viên tham gia, nhờ hoạt động hiệu quả và tạo đầu ra ổn định mà nghề làm chổi đót đã có thêm những bước tiến vượt bậc cả về chất lượng và số lượng, qua đó, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 hộ và trên 200 lao động tại địa phương.

Tạm biệt xã Lâm Sơn trong sắc xuân mới, chúng tôi vẫn nhớ nguyên vẹn câu nói ý nghĩa của ông Nhị: Chúng tôi không chỉ làm nghề chổi đót vì kinh tế mà xa hơn nữa là vì tâm huyết và muốn gìn giữ nghề truyền thống từ bao đời của cha ông như giữ nét đẹp văn hóa riêng của địa phương mình!