Nghệ nhân tiêu biểu làng gốm Bàu Trúc

(NTO) Gặp lại nghệ nhân Đàng Xem (ảnh) ở làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) vào những ngày đầu năm mới 2018, anh phấn khởi chia sẻ niềm vui vừa được Ban Dân tộc tỉnh mời ra Thủ đô Hà Nội dự Lễ Tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017. Hạnh phúc lớn nhất của anh là lần đầu tiên được vào Lăng viếng Bác Hồ, được gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được giao lưu cùng các đại biểu trong cả nước.

Hai kỷ vật quan trọng được nghệ nhân Đàng Xem mang từ Thủ đô Hà Nội về làng gốm Bàu Trúc là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban tổ chức Lễ Tuyên dương tặng cho các đại biểu và Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Trao đổi với nghệ nhân Đàng Xem, chúng tôi được biết tuy sinh trưởng ở làng Bàu Trúc nhưng anh chính thức gắn bó với nghề gốm mỹ nghệ từ năm 1999 đến nay. Bàn tay tài hoa của nghệ nhân Đàng Xem đã chế tác hàng ngàn tác phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trưng bày của các gia đình và các doanh nghiệp trong cả nước.

Công cụ làm gốm của Nghệ nhân Đàng Xem chỉ là chiếc muỗng I-nóc sáng loáng, con dao thép nhỏ mòn vẹt phần lưỡi, chiếc thìa đinh ba chỉ còn lại độc nhất một “răng giữa”. Chỉ bằng chừng ấy “đồ nghề”, anh đã tỉ mỉ điêu khắc tượng thần Shiva trên trên các bình gốm có kích thước cao ngang đầu người hoặc khéo léo chạm khắc họa tiết tạo “không gian” cho những chiếc bình gốm gắn đèn trang trí. Khách hàng ấn tượng với tác phẩm phù điêu đất nung tái hiện Lễ hội Katê của nghệ nhân Đàng Xem mang đậm sắc thái văn hóa lễ hội dân gian Chăm. Phù điêu nung qua lửa cho ra sắc màu đỏ au làm mê hoặc lòng người. Người xem có cảm tưởng nhân vật của anh mới vừa từ Lễ hội Katê bước vào phù điêu làm nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Tác phẩm điêu khắc gốm Chăm, phù điêu, tượng đất nung do anh chế tác được các bộ, ngành Trung ương và địa phương tặng nhiều giải thưởng. Đàng Xem được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hoàn tất thủ tục đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2017. Cơ sở gốm của Đàng Xem thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm. Nhờ nguồn thu nhập của nghề làm gốm giúp vợ chồng anh xây dựng nhà ở khang trang và nuôi các con ăn học thành đạt.

Chia sẻ niềm vui sau chuyến ra Hà Nội dự Lễ Tuyên dương trở về, Nghệ nhân Đàng Xem phấn khởi: Là người con của làng Chăm quê hương Ninh Thuận, tôi rất xúc động khi lần đầu tiên cùng với các đại biểu được vào Lăng viếng Bác Hồ. Người đã hy sinh suốt cả cuộc đời mình để đem lại tự do, cơm no, áo ấm cho đồng bào các dân tộc Việt Nam, trong đó có đồng bào dân tộc Chăm. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi nêu cao vai trò người có uy tín vận động bà con làng gốm Bàu Trúc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, tích cực góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển giàu đẹp.