Để rừng mãi xanh

(NTO) Nằm ở vùng đất cuối dãy Trường Sơn, địa hình dốc, khí hậu khô nóng, rừng của Ninh Thuận có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và cải tạo môi trường sinh thái. Nhằm giữ gìn để rừng mãi xanh, công tác bảo vệ, phát triển rừng đang được chính quyền và người dân chú trọng thực hiện với nhiều chuyển biến tích cực.

Bài 1: Ngăn chặn tình trạng phá rừng

Toàn tỉnh hiện có 142.000 ha rừng, trong đó có  136,8 ngàn ha rừng tự nhiên và 5,2 ngàn ha rừng trồng, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,3%. Năm 2017, cùng với việc thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác lâm sản trái phép.

Lực lượng chức năng thu giữ lâm sản khai thác trái phép.

Khó khăn trong việc giữ rừng

Do đặc trưng là kiểu rừng khô hạn với trạng thái rừng phong phú đa dạng, hệ thống rừng Ninh Thuận được đánh giá giàu về trữ lượng gỗ quý với tổng trữ lượng khoảng 11,4 triệu m3. Cũng chính từ sự “giàu có” đó, rừng tỉnh ta chịu đựng nhiều áp lực của việc khai thác quá mức, khiến nhiều vùng rừng có nguy cơ bị xóa sổ.

Lợi dụng địa hình khó khăn, khu vực giáp ranh, lâm tặc sử dụng phương tiện xe máy “độ chế” luồn sâu vào trong rừng để khai thác. Trọng điểm vẫn tập trung ở các địa bàn rừng thuộc huyện Ninh Sơn và Bác Ái, nhất là vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Đối tượng “lâm tặc” ngày càng manh động, táo bạo, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, gây không ít khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn mỏng và chưa được trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 170 cán bộ kiểm lâm, so với biên chế định mức quy định cần có là 219 người; điều kiện sinh hoạt, làm việc tại các trạm bảo vệ rừng còn rất khó khăn. Ngoài lực lượng kiểm lâm, chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng ở các Ban quản lý bảo vệ rừng chưa được quan tâm đầy đủ. Do đó, trong một thời gian dài công tác bảo vệ rừng chủ yếu mới chỉ xử lý ở phần “ngọn” thông qua công tác tuần tra, truy bắt khi lâm tặc đã thực hiện xong hành vi phá rừng hoặc đang trên đường vận chuyển lâm sản đi tiêu thụ. Chính vì vậy, rừng luôn đứng trước nguy cơ bị tàn phá, xâm hại mà chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để.

Tăng cường sự phối hợp bảo vệ rừng

Nhằm khắc phục những hạn chế của công tác bảo vệ rừng trước nguy cơ bị tàn phá, yêu cầu cần phải có giải pháp khả thi, cùng một lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Được sự đồng ý về mặt chủ trương và cơ chế vận hành của UBND tỉnh, lần đầu tiên tại tỉnh ta, các lực lượng gồm: Kiểm lâm, Quân sự, Cảnh sát giao thông, cơ động và hình sự, cùng cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng đã được biên chế thành tổ công tác liên ngành, vừa tổ chức tuần tra chung, vừa chốt chặn 24/24 giờ tại những địa bàn trọng điểm, vùng rừng giáp ranh thường xảy ra tình trạng phá rừng. Thực hiện công tác tuần tra, tổ liên ngành đã kiểm soát tất cả các loại phương tiện ra, vào rừng. Đối với những xe “độ chế”, thay đổi hình thức thiết kế, kết cấu phương tiện để chở gỗ đều bị lực lượng chức năng lập biên bản, tịch thu, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Phạm Cao Đảm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Trước đây, lực lượng Kiểm lâm chỉ được phép xử lý xe “độ chế” khi phương tiện này bị bắt quả tang đang vận chuyển gỗ lậu. Nhưng từ khi có sự phối hợp của lực lượng Công an, cùng với các đơn vị chức năng, loại xe này dù không tham gia giao thông, không vận chuyển lâm sản nhưng vẫn bị tịch thu, xử lý như đối với loại hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Chính việc này đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả loại phương tiện chuyên dụng của “lâm tặc” trong việc phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép.

Trong năm 2017, lực lượng chức năng đã tổ chức 2.739 đợt kiểm tra, truy quét tại các vùng giáp ranh, khu vực trọng điểm phá rừng và các trục lộ giao thông trên địa bàn tỉnh, qua đó đã phát hiện xử lý 679 vụ vi phạm về lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng; xử phạt vi phạm hành chính 644 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 1,93 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tịch thu nhiều tang vật, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong 2 năm 2016-2017, các lực lượng đã phối hơp xử lý, tịch thu gần 500 xe môtô “độ chế” các loại. Với sự phối hợp đồng bộ, phát huy hiệu quả các giải pháp bảo vệ rừng, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh dần được ngăn chặn, giảm đáng kể về số vụ, số lượt người vi phạm và không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng như những năm trước đây.