Nhìn lại thế giới 2017: IS vẫn là mối đe dọa mang tính toàn cầu

Năm 2017 là năm chứng kiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị hủy diệt nặng nề, mất gần hết cái mà chúng tự nhận là "Vương quốc Hồi giáo" ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng tổ chức này đang thích nghi với hoàn cảnh mới và sẽ vẫn là một mối đe dọa đối với thế giới.

Chỉ trong vòng vài giờ đầu tiên của Năm Mới 2017, một người Uzbekistan - tự nhận mình là "thành viên của Vương quốc Hồi giáo" - đã phóng hỏa vào một câu lạc bộ đêm ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), khiến 39 người đang tham dự buổi lễ Đêm Giao thừa bị thiệt mạng.

Hoặc trực tiếp vũ trang cho các tay súng thánh chiến, hoặc lôi kéo họ bằng các chiến dịch tuyên truyền trực tuyến, IS đã xúi giục hoặc truyền cảm hứng để họ tiến hành hàng chục vụ tấn công gây chết người, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2017, ở Pakistan, Iraq, Syria, Afghanistan, Ai Cập, Somalia và Anh. Trong số các tay súng này có kẻ đánh bom liều chết Salman Abedi, một người Anh gốc Libya, đã giết hại 22 người - trong đó có rất nhiều trẻ em - khi cho phát nổ một quả bom tự chế ở sân vận động Manchester ngày 22-5. Các vụ tấn công bằng ô tô, được thực hiện bởi các tay súng được IS truyền cảm hứng, cũng đã gây đổ máu trên các đường phố ở Jerusalem, London, Stockholm, New York và Barcelona. Cho đến nay, vẫn khó có thể ngăn chặn các vụ tấn công theo hình thức này.

Các vụ tấn công nói trên, cướp đi sinh mạng của tổng cộng hàng nghìn người, đã diễn ra bất chấp thực thế là IS ở Iraq và Syria đã bị đánh bại hoàn toàn, sau một cuộc tấn công phối hợp được thực hiện vào mùa thu năm 2016. IS đã dựng lên một căn cứ để điều khiển các mạng lưới của chúng ở nước ngoài, tuyển quân, hỗ trợ tài chính và điều phối các hoạt động của các mạng lưới này. Trên thực tế, việc chúng biến mất về mặt vật chất không phải là dấu chấm hết cho các vụ tấn công khủng bố. Trao đổi với hãng tin AFP, Yves Trotignon - trước đây là nhà phân tích về chống khủng bố - nói: "Có thể khẳng định rằng IS đã bị đánh bại về mặt quân sự. Mặc dù chúng có khoảng 3.000 tay súng ở Syria và Iraq, một con số khá lớn, song cần phải nhớ rằng năm 2009, tiền thân của IS ở Iraq cũng đã bị đánh bại về mặt quân sự. Tuy nhiên, chỉ 2 năm rưỡi sau, chúng đã giành được lợi thế trong cuộc hỗn loạn ở Syria và trỗi dậy từ đống tro tàn".

Theo giới chuyên gia, cách mà thế giới hậu IS bị chi phối trong những tháng và năm tới sẽ chứng minh tầm quan trọng của việc ngăn cộng đồng người Sunni tạo ra một phong trào thánh chiến khác dưới danh nghĩa bảo vệ lợi ích của mình.

Một danh sách dài các hành động tàn bạo, các cuộc tấn công hoặc những nỗ lực bất thành trong năm 2017 cho thấy phong trào thánh chiến toàn cầu - bao gồm cả mạng lưới al-Qaeda - vẫn có khả năng phục hồi và trỗi dậy mạnh mẽ. Trotignon nói: "Chiến dịch tiêu diệt IS ở Iraq và Syria đã thành công. Tuy nhiên, như trường hợp al-Qaeda ở Afghanistan, chúng vẫn phát triển và khó có thể bị dập tắt. IS đã bị đánh bại, nhưng mối đe dọa khủng bố còn lâu mới biến mất. Nó đang phát triển dưới nhiều hình thức. Các nhà nghiên cứu người Mỹ tin rằng mối đe dọa này sẽ còn kéo dài trong nhiều thế hệ nữa".

Đại tá người Mỹ Ryan Dillon, người phát ngôn của liên minh chống thánh chiến do Mỹ lãnh đạo, gần đây nói: "Mặc dù IS hiện không còn là một mối đe dọa trước mắt, chúng không có một đội quân như năm 2014, song điều đó không có nghĩa là chúng đã bị triệt tiêu hoàn toàn".

Trong khi đó, theo Jean-Pierre Filiu, Giáo sư của tổ chức Sciences-Po ở Paris, "các chi nhánh của IS - ban đầu là ở Ai Cập, sau là ở Libya, Yemen, Afghanistan và Đông Nam Á - vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Và chiến dịch tuyên truyền thánh chiến mặc dù đã giảm bớt cường độ, song vẫn tiếp tục được duy trì trên toàn thế giới".

Theo TTXVN