Ninh Hải đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp

(NTO) Nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề trong khâu sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, huyện Ninh Hải luôn chú trọng, đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa và tăng giá trị kinh tế cho nông dân địa phương.

Với lợi thế của một huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, bên cạnh việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản thì diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện cũng khá rộng với trên 6.000 ha, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Xác định mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp huyện Ninh Hải đã xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực thông qua các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất bằng hình thức liên kết với nông dân địa phương khai thác hiệu quả thế mạnh những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng. Với những hoạt động thiết thực đã thu hút một số đơn vị liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm như: Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Mộc Thành Quả, Công ty TNHH Chiến Nông ký kết thu mua sản phẩm nho, táo, ớt của nông dân Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải; Công ty TNHH Đỉnh Lợi hợp tác với 50 hộ trồng nho xanh theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Xuân Hải; nông dân xã Xuân Hải liên kết với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang trồng 4 ha mía ở khu vực hồ Thành Sơn…

Hoạt động liên kết sản xuất, góp phần nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích.

Từ mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Điển hình ở xã Nhơn Hải là địa phương có nhiều lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù như hành, tỏi, tuy nhiên, hầu hết diện tích gieo trồng vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán và thiếu tính liên kết, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả thường dao động thất thường. Để giải quyết tồn tại trên, năm 2015, thông qua chương trình Hỗ trợ Tam nông, Ban Phát triển xã thực hiện ký kết hợp đồng với Trang trại hành, tỏi Quang Ninh thực hiện bao tiêu sản phẩm nho, táo, tỏi của nông dân địa phương, với diện tích 225 ha. Anh Nguyễn Thanh Khỏe, thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải chia sẻ: Lâu nay, gia đình tôi và các hộ lân cận trồng tỏi chỉ bán cho thương lái nên thường bị ép giá, từ khi liên kết với Trang trại Quang Ninh, sản phẩm sau khi thu hoạch được bao tiêu toàn bộ với giá bán bằng hoặc cao hơn giá thị trường, nên chúng tôi không còn phải lo lắng “đầu ra” như trước đây. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hỗ trợ kinh phí cho một số hộ khó khăn lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để ổn định sản xuất.

Qua sự chủ động của ngành chức năng, địa phương trong việc kết nối doanh nghiệp với nông dân đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân. Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải nhìn nhận: Thông qua hình thức liên kết đôi bên cùng có lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đi vào ổn định, nhiều diện tích canh tác kém hiệu quả được khôi phục và từng bước hình thành vùng chuyên canh rộng lớn, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào và tránh được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như hiện nay.

Để thực hiện mục tiêu liên kết trong sản xuất bền vững, thời gian tới, huyện Ninh Hải tiếp tục tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất tập trung gắn với liên kết các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đưa ngành trồng trọt trở thành hướng sản xuất chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.