Ninh Phước: Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững

(NTO) Nhờ quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đến nay, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Ninh Phước đã được nâng lên đáng kể. Đến cuối năm 2017, số hộ nghèo của địa phương giảm còn 6,47%.

Ông Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Có được kết quả trên là nhờ địa phương đã tranh thủ có hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương và tỉnh hỗ trợ như: Vốn các Chương trình 135, 755, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… để đầu tư tu sửa kênh mương nội đồng, giao thông... phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, trên cơ sở áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như: Trồng rau an toàn, măng tây xanh, nuôi bò vỗ béo...

Nông dân Ninh Phước chăm sóc lúa.Ảnh: Thanh Long

Ngoài các giải pháp kể trên, trong năm 2017, các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác giúp hội viên vay vốn gần 400 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Ông Kiều Phục Gòn, ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng phải làm thuê kiếm sống. Năm 2014, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng, gia đình mua 2 con bò cái về nuôi, đồng thời kết hợp làm kinh tế gia đình. Nhờ chịu khó và biết cách chăm sóc, đến nay đàn bò phát triển lên được 7 con. Ngoài ra, từ số tiền tích cóp được gia đình còn sang nhượng thêm 2 sào đất đầu tư trồng lúa, nhờ đó thu nhập ngày càng ổn định.

Để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Ninh Phước còn tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; phối hợp để lao động nông thôn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài… Ông Nguyễn Văn Thường, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước cho biết: Chỉ tính trong năm 2017, huyện đã tổ chức cho trên 500 lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y...; đồng thời tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 3.280 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giới thiệu 26 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, công tác chăm lo nhà ở, sức khỏe cho người dân cũng được huyện quan tâm thực hiện. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, năm 2017, huyện đã xây mới 88 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí trên 2,2 tỷ đồng; cấp 23.635 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện hỗ trợ kinh phí học tập theo Nghị định 86 của Chính phủ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các cấp; hỗ trợ tiền điện cho 3.100 hộ nghèo với số tiền trên 1,7 tỷ đồng...

Trong thời gian tới, mục tiêu của huyện Ninh Phước phấn đấu bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 1,5%. Để đạt được chỉ tiêu này, theo ông Bạch Văn Nguyên, giải pháp trọng tâm mà huyện đề ra là tập trung thực hiện hiệu quả việc đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Kịp thời triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất theo từng vùng phù hợp. Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn chính sách; đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động... nhằm từng bước cải thiện đời sống cho người dân.