Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

(NTO) Xác định công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ (PN) sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế trong hội viên, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp chị em cải thiện đời sống.

Đồng chí Chamaléa Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 81.300 hội viên (HV), chiếm gần 74% PN từ 18 tuổi trở lên. Đa số chị em sống dựa vào nghề nông, đặc biệt là chị em ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do trình độ dân trí, thu nhập thấp nên càng gặp khó khăn trong sản xuất, tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy, công tác chăm lo đời sống, giúp PN phát triển kinh tế là nhiệm vụ được các cấp Hội đặt lên hàng đầu. Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp chị em tiếp cận tốt các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh là một trong những việc làm thiết thực, hiệu quả của các cấp Hội trong thời gian qua. Từ nguồn vốn vay của các ngân hàng, dự án, năm 2017, các cấp Hội đã phối hợp giải ngân trên 317 tỷ đồng, giúp hơn 10.700 lượt HV, PN vay vốn phát triển sản xuất, nâng tổng dư nợ lên gần 921 tỷ đồng, với hơn 49.200 lượt HV, PN vay; trong đó, riêng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 863 tỷ đồng, giúp cho 47.120 lượt HV, PN nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ PN phát triển tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp nhiều PN nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô để phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng số vốn giải ngân trong năm 2017 trên 21 tỷ đồng cho 2.843 lượt thành viên vay, trong đó có 416 thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, nâng tổng số tiền giải ngân của quỹ hiện lên gần 37,6 tỷ đồng cho 3.901 thành viên vay vốn. Để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chỉ đạo các cấp Hội tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý nguồn vốn ủy thác ở cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn; qua đó đã chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, tồn tại trong việc quản lý hoạt động nhận ủy thác tại địa bàn.

Ngoài nguồn vốn vay từ các ngân hàng và dự án, các cấp Hội còn huy động nguồn vốn nội lực từ HV, PN; duy trì tốt các hình thức tiết kiệm tại chi hội như tiết kiệm mùa xuân, góp vốn xoay vòng, trang trí nội thất... với số tiền gần 3,7 tỷ đồng, qua đó giúp đỡ HV khó khăn có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế. Ngoài hỗ trợ về vốn, Hội LHPN tỉnh còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động HV, PN tích cực áp dụng khoa học-kỹ thuật, các mô hình kinh tế hiệu quả để nâng cao thu nhập. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã phối hợp mở 3 hội nghị tư vấn nghề; tổ chức 21 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn, may mặc cho 588 chị; giới thiệu việc làm cho 1.539 chị và giới thiệu xuất khẩu lao động cho 46 chị. Điều đáng ghi nhận hơn cả là sau khi được đào tạo, dạy nghề, các chị biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, nâng cao năng suất lao động, giá trị cây trồng, vật nuôi, có thêm việc làm, từ đó cải thiện thu nhập. Tích cực hưởng ứng các hoạt động từ thiện, các cấp Hội còn vận động được hơn 756 triệu đồng, 33.661 kg gạo, giúp cho 1.028 PN khó khăn, neo đơn, gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học...

Với những hoạt động thiết thực đã góp phần quan trọng tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho nhiều HV, PN phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội, ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của mình. Trong năm 2017, toàn tỉnh có 113 hộ do Hội PN trực tiếp đứng ra giúp đỡ đã thoát được nghèo, vượt 73% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đồng chí Chamaléa Thị Thủy cho biết thêm: Để công tác chăm lo đời sống HV, PN đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, ngoài khai thác tốt các nguồn vốn cho HV, PN vay vốn làm ăn, Hội đặc biệt đẩy mạnh các phong trào thi đua, vận động HV, PN phát huy mọi lợi thế, nỗ lực vươn lên, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế; đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành để chuyển giao khoa học-kỹ thuật, mô hình làm ăn mới, hiệu quả vào sản xuất. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các chị ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp chị em nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, dần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, thành thị, cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo và các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra.