Ngành Ngân hàng: Nỗ lực về đích năm 2017

(NTO) Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và UBND tỉnh, năm 2017, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, huy động và đầu tư tín dụng phù hợp. Qua đó, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Ông Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, tổng doanh số cho vay các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh ước đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3.184 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển lĩnh vực nông lâm nghiệp - thủy sản đạt 4.420 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,26%, tăng 730 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng 2.980 tỷ đồng, chiếm 17,03%, tăng 760 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ đạt 7.950 tỷ đồng, chiếm 45,43%, tăng 960 tỷ đồng; tiêu dùng đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 240 tỷ đồng, chiếm 12,29% tổng dư nợ cho vay. Kết quả trên đã góp phần nâng tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến nay ước đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 2.690 tỷ đồng, đạt 100,9% kế hoạch năm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Ninh Thuận
đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Ảnh: Văn Miên

Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN tỉnh, ước đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.155 doanh nghiệp đang vay vốn các ngân hàng, với tổng dư nợ 6.350 tỷ đồng, tăng 14 doanh nghiệp và tăng 1.114 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Để khơi thông nguồn vốn tín dụng, từ đầu năm đến nay các TCTD đã chấp hành nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất huy động và cho vay. Ước đến 31-12-2017, nguồn vốn huy động tại chỗ đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng 1.620 so với cuối năm trước và đạt 121,8% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai nhiều giải pháp hoạt động tín dụng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2017, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 132 hợp đồng tín dụng (HĐTD), với số tiền 28,26 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi vay 42 HĐTD, số lãi được miễn giảm 3,073 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên 11.400 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp chiếm 54,5% và hộ vay chiếm 45,5%.

Ngoài những hoạt động kể trên, trong năm 2017, bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,các NHTM còn đầu tư tín dụng theo các cơ chế chính sách của Chính phủ, của ngành và chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, như: Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, với doanh số cho vay ước đạt 7.450 tỷ đồng, tăng 217 tỷ đồng so với năm 2016. Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dư nợ ước đạt 2.680 tỷ đồng, tăng 348 tỷ đồng so với năm trước. Cho vay xuất khẩu, ước dư nợ 980 tỷ đồng, tăng 675 tỷ đồng. Cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ước dự nợ đến cuối năm 2017 đạt 3.525 tỷ đồng/95.200 khách hàng. Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dư nợ đến cuối tháng 10 đạt 97 tỷ đồng/2 khách hàng là Công ty Thông Thuận và Công ty Mía đường Biên Hòa – Phan Rang, với số lãi hỗ trợ trong 10 tháng năm 2017 là 3,01 tỷ đồng. Cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách theo các chương trình của Ngân hàng chính sách xã hội ước đến 31-12, tổng dư nợ đạt 1.760 tỷ đồng/95.721 khách hàng, tăng 166 tỷ đồng so với cuối năm 2016.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ trong 10 tháng năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt thêm 4 đợt danh sách cho 12 ngư dân với tổng vốn đầu tư dự kiến là 168,38 tỷ đồng (vốn vay dự kiến 153,836 tỷ đồng), nâng lũy kế từ đầu chương trình đến nay lên 41 ngư dân được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 và 89 của Chính phủ. Trong đó, 37 ngư dân đã ký HĐTD với số tiền cam kết cho vay là 351,437 tỷ đồng, đã giải ngân 293,372 tỷ đồng, đạt 83,5%. Riêng chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đến nay có 4 NHTM đã ký kết hộp đồng tín dụng với 14 doanh nghiệp, số tiền cam kết cho vay 1.720 tỷ đồng; đến cuối tháng 10 đã giải ngân được 770 tỷ đồng, bằng 44,8% số tiền cam kết cho vay...

Mục tiêu của Chi nhánh NHNN tỉnh trong năm 2018 phấn đấu đưa đầu tư tín dụng tăng từ 20 - 22% với lãi suất hợp lý, huy động vốn tăng tối thiểu 15%, hạ thấp tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3%. Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, theo ông Vũ Ngọc Niên, đơn vị đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo hướng mở rộng tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, trọng tâm là chỉ đạo các Ngân hàng giải ngân tốt kế hoạch tín dụng được giao, tiếp tục ưu tiên triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Mặt khác, Chi nhánh sẽ phối hợp, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn mở rộng mạng lưới, tăng lượng tiền cung ứng cho thị trường, đầu tư phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của ngành. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, xử lý có hiệu quả vấn đề nợ xấu..., đảm bảo hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn an toàn, ổn định và tăng tưởng.