Chăm lo nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(NTO) Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm chăm lo nâng cao toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định ban hành Đề án Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017- 2020. Các ngành, các cấp phối hợp thực hiện đưa đề án vào thực tiễn cuộc sống, tích cực góp phần xây dựng nông thôn miền núi và vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc.

Tỉnh ta hiện có 34.616 hộ/161.010 người là đồng bào DTTS sinh sống tập trung ở 124 thôn thuộc 37 xã, chiếm 23,74% dân số toàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo có 11.139 hộ/51.673 nhân khẩu, chiếm 32,17%; hộ cận nghèo có 5.371 hộ/25.393 nhân khẩu, chiếm 15,51% so với hộ đồng bào DDTS. Các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện nhiều chính sách giúp đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, tiến tới thoát nghèo bền vững. Tính riêng từ năm 2011 - 2016, các chương trình của Nhà nước đầu tư hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt cho 7.925 hộ hưởng lợi với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đất sản xuất cho 476 hộ, với diện tích 237,7 ha, vốn đầu tư 6.376 triệu đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Bác Ái có 239 hộ, với 198,6 ha; Thuận Bắc có 133 hộ, với 23 ha; Thuận Nam có 74 hộ, với 11,6 ha. Toàn tỉnh có 4.444 hộ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt phân tán với tổng nguồn vốn trên 5,7 tỷ đồng; tập trung ở các huyện Bác Ái 1.705 hộ, Ninh Sơn 1.215 hộ, Thuận Bắc 902 hộ. Ngoài ra, huyện Ninh Phước còn đầu tư xây dựng mới 3 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí trên 1,9 tỷ đồng ở các xã Phước Hậu, Phước Hải và thị trấn Phước Dân cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân. Đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất được hỗ trợ gần 14 tỷ đồng cho 2.798 hộ thực hiện chuyển đổi nghề chăn nuôi gia súc có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống. Toàn tỉnh triển khai thực hiện các dự án định canh định cư cho 459 hộ DTTS, với số vốn 41,5 tỷ đồng ở các thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn), Lập Lá (xã Lâm Sơn), Tân Hà (xã Phước Hà), Ú (xã Ma Nới)... Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh rà soát cho 4.431 lượt hộ DTTS nghèo vay theo chương trình lãi suất ưu đãi, với số tiền trên 30,6 tỷ đồng giúp bà con đầu tư phát triển sản xuất.

 
Hệ thống nước sạch sinh hoạt được Nhà nước đầu tư xây dựng giúp đồng bào Raglai xã Phước Trung (Bác Ái) 
nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước đã tạo động lực thúc đẩy đời sống kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh ta ngày càng phát triển bền vững. Nông dân các địa phương chủ động vươn lên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh ta đã thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS như mía cao sản, bắp lai, táo, mãng cầu dai, cải tạo đàn gia súc có sừng theo hướng chuyên thịt, heo đen, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình trồng rau an toàn tại xã An Hải; trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc và triền núi tại huyện Thuận Bắc... Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS hằng năm giảm từ 3-4%; riêng huyện Bác Ái giảm 8%/năm. Tỉnh ta đã có 9/37 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới là Thành Hải, Công Hải, Xuân Hải, Nhơn Sơn, Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thái, Phước Hậu.

Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Ngày 28-9-2017, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 96/2017/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017- 2020. Đề án thể hiện sự quan tâm chăm lo đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm góp phần nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đề án đã phê duyệt cho 9.223 hộ đồng bào DTTS nghèo được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, vay phát triển sản xuất với tổng nguồn vốn trên 365,8 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 18,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 20,5 tỷ đồng; vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH gần 327 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 895 hộ được hỗ trợ 29,54 ha đất ở; 92 hộ được hỗ trợ 29,85 ha đất sản xuất; 2.884 hộ hỗ trợ chuyển đổi nghề; 1.790 hộ hỗ trợ lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt phân tán; 3.562 hộ vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Qua đó ,nâng cao đời sống bền vững cho đồng bào DTTS, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5 - 6%/năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020.