Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật

(NTO) Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn. Không chỉ tạo điều kiện để họ có nguồn thu nhập, mà qua đó còn góp phần tạo tâm lý lạc quan, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với xã hội.

Bị bại liệt từ năm 1 tuổi đã khiến đôi chân teo tóp, không thể đi đứng được, tưởng chừng như tương lai của chị Phan Thảo Hồng Ái (36 tuổi) ở thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn (Ninh Phước) khép lại. Trong suốt những năm qua, chị luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti và buồn phiền vì mọi sinh hoạt hàng ngày chị đều phải nhờ sự trợ giúp của cha mẹ. Thế nhưng, cơ hội đã mở ra với chị và nhiều người cùng hoàn cảnh khác khi Chương trình “Hỗ trợ đào tạo nghề đan móc len thủ công mỹ thuật dành cho người khuyết tật và lao động nông thôn” do Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận mở tại địa phương đã tạo điều kiện cho chị đi học nghề và có việc làm. Chị Ái chia sẻ: Từ lâu mình luôn mong muốn có một nghề để làm, có thu nhập để phụ giúp thêm cho gia đình, nhưng do sức khỏe yếu, mình không làm được. Được học nghề đan móc len thủ công rất phù hợp, từ đây đã mở ra cơ hội để những người có cùng hoàn cảnh như mình tự tin hơn trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

Đào tạo nghề đan, móc len thủ công mỹ thuật cho người khuyết tật huyện Ninh Phước.

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người khuyết tật, từ năm 2016 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận tổ chức 2 khóa đào tạo nghề đan, móc len thủ công mỹ thuật cho người khuyết tật  tại  huyện Ninh Phước và huyện Ninh Sơn. Trong thời gian 3 tháng, người khuyết tật được công ty đào tạo các kỹ năng đan, móc len để tạo ra các sản phẩm như đồ lưu niệm, quà tặng, tấm trải gường, thú bông.... Ngoài ra, các học viên được miễn toàn bộ học phí và được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày; được hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học. Bà Võ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận cho biết: Người khuyết tật nói chung có tinh thần kiên trì, nỗ lực, phấn đấu để vượt lên chính khó khăn của mình, đến với lớp học, các anh chị em rất cần cù, chịu khó và ham học hỏi. Kết thúc khóa học, công ty cam kết ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với những lao động khuyết tật có tay nghề đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, công ty đã có cơ sở tại huyện Ninh Sơn, trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được học nghề tập trung tại đây, các học viên sẽ được ăn nghỉ và học tập tại chỗ, không còn phải đi lại vất vả như trước đây. Ngoài ra, công ty cũng phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghề và Hỗ trợ nông dân để dạy nghề cho những đối tượng khác nếu có nhu cầu.

Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội cho hay: Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận tổ chức lớp dạy nghề đan móc len thủ công mỹ thuật để giúp người khuyết tật có thể tiếp cận, học nghề, từ đó có việc làm, thu nhập, nuôi sống được bản thân mình. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có những chương trình, chính sách hỗ trợ, khuyến khích mở rộng đào tạo nghề cho người khuyết tật tại tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật đã tạo cơ hội cho họ tham gia lao động, cống hiến và thực hiện những ước mơ tưởng chừng không bao giờ thành hiện thực.