Các ngành, địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 12

(NTO) Trước dự báo cơn bão số 12 sẽ vào tỉnh ta vào rạng sáng ngày 4-11, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Ngay trong ngày 2-11, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 12, mưa lũ trên địa bàn tỉnh để quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cần tập trung cao độ, với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống cơn bão, mưa lũ, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Ngày 3-11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã thành lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 12, mưa lũ tại các địa phương, trọng tâm là các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở; công tác an toàn đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão... Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có công điện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và hoạt động trên biển kể từ 15 giờ ngày 2-11; tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền hợp lý, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 13 giờ ngày 3-11.

Qua báo cáo nhanh, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 2.650 chiếc/16.474 lao động đã liên lạc và neo đậu an toàn. Còn lại 1 tàu/7 lao động do ông Tô Minh Thanh, sinh năm 1973 làm thuyền trưởng có số hiệu NT-91269 hoạt động tại khu vực DK1 (không liên lạc đuợc). Hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đang phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ liên hệ tàu cá về nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, 37 phương tiện thủy nội địa, tàu dịch vụ du lịch, nhà hàng nổi với 71 lao động đã được bố trí an toàn.

Tp. Phan Rang-Tháp Chàm: Với không khí khẩn trương, tích cực, chủ động ứng phó với cơn bão số 12 theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với cơn bão số 12.

Tại phường Đông Hải, các hộ dân sống dọc bờ kè Đông Hải cũng đang tích cực chằng chống, kiên cố nhà cửa để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 12. Ngư dân Trần Công Bình cho biết: Theo kinh nghiệm của tôi, khi bão lớn gần vào bờ thì mặt biển rất êm, dễ gây chủ quan, nên khi nghe tin có bão, ngư dân đã nhắc nhau không ra khơi đánh bắt, cho tàu về nơi tránh trú an toàn. Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải cho biết: Hiện nay, địa phương đã chuẩn bị trên 3.000 bao cát, các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ cho bà con; huy động 5 xe tải lớn và các phương tiện khác để sẵn sàng di dời trên 879 hộ dân sinh sống tại các khu phố 1, 2, 7, 8, 9, 10, 11, Phú Thọ đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho bà con nơi đây...

Ngư dân phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đang thu dọn ngư lưới cụ. Ảnh: Mai Dũng

Theo lãnh đạo UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, toàn thành phố huy động trên 2.000 lực lượng gồm công an, quân sự, y tế hỗ trợ địa phương giúp dân ứng phó kịp thời với cơn bão. Dự kiến, thành phố tổ chức di dời, sơ tán trên 11.400 người dân đến nơi an toàn. Riêng các phường ven biển: Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Bình phải hoàn thành di dời dân trước 16 giờ ngày 3-11. Đối với những phường ven đê sông Dinh: Mỹ Hương, Đạo Long, Tấn Tài cần chủ động chuẩn bị bao cát chắn các khe phai đê, chằng chống nhà cửa an toàn, bảo đảm tuyến đê và tính mạng người dân. Các đơn vị dịch vụ công ích và phòng, ban chuyên môn có phương án chặt tỉa cây xanh, bảo đảm hệ thống thoát nước, chiếu sáng, các biển bảo, hệ thống giao thông huyết mạch thông suốt trong quá trình bão đổ bộ vào tỉnh ta.

Ninh Hải: Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Ninh Hải, toàn huyện có 845 tàu thuyền với trên 3.000 lao động, đến trưa ngày 3-11, tất cả tàu thuyền trên địa bàn huyện đã vào nơi tránh trú bão an toàn tại cảng Ninh Chử, Vĩnh Hy. Ngoài ra, có 12 thuyền của ngư dân xã Thanh Hải đang trú ẩn tại huyện đảo Trường Sa và 2 thuyền của ngư dân Khánh Hải trú bão tại Kiên Giang. Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tuyên tuyền, vận động các hộ nuôi hải sản trên địa bàn huyện có biện pháp neo giằng lồng bè và cam kết rời khỏi khu vực nuôi hải sản trước 17h ngày 3-11. Vận động chân dân chằng chống nhà ở và có phương án huy động lực lượng, phương tiện di dời gần 3.000 người dân sinh sống ven biển, ven sông đến nơi trú ẩn an toàn. Toàn huyện huy động trên 1.200 cán bộ, công chức, viên chức, dân quân, thanh niên xung kích tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão lụt. Đồng thời dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống sẵn sàng cứu trợ cho người dân vùng bão lũ. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện và các xã tổ chức trực 24/24 giờ, kịp thời ứng phó với cơn bão số 12.

 Lực lượng Biên phòng tuyên tuyền vận động ngư dân xã Thanh Hải chủ động ứng phó cơn bão 12.

Ngư dân xã Thanh Hải di chuyển phương tiện vào nơi tránh trú bão. Ảnh: Sơn Ngọc

Thuận Nam: Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Từ chiều ngày 2-11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã chủ động ứng phó với cơn bão số 12, trong đó chỉ đạo các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh di chuyển tàu thuyền của ngư dân địa phương về cảng Cà Ná trú bão. Qua thống kê đến 7 giờ ngày 3-11, đã có 935 tàu thuyền của địa phương và ngoài tỉnh đến đây neo đậu. Hiện nay, công tác sắp xếp trật tự chỗ neo đậu tàu thuyền tại cảng đang được các ngành chức năng khẩn trương. Cùng với đó, số tàu thuyền còn lại của ngư dân địa phương đang đánh bắt xa bờ cũng được thông báo nhanh chóng tìm kiếm chỗ trú bão an toàn.

Phần lớn các tàu thuyền của địa phương và ngoài tỉnh đã được sắp xếp trật tự neo đậu tại cảng Cà Ná để trú bão số 12. Ảnh: Phan Hiếu

Đối với các xã vùng cao có nguy cơ xảy ra lũ như Phước Hà, Nhị Hà, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thuận Nam cũng chỉ đạo các địa phương bố trí rọ sắt, bao tải ny lông, bãi lấy cát… để chủ động ứng phó với bão. Đồng thời chỉ đạo các Trạm thủy nông thông báo cho nhân dân vùng hạ du và các cơ quan chức năng trước 6 giờ khi thực hiện xả lũ, để các địa phương, đơn vị chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân đến nơi an toàn.

Thuận Bắc: Là một trong những địa bàn trọng điểm, dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp khi đổ bộ vào đất liền, UBND huyện Thuận Bắc đã tăng cường thông tin tuyên truyền cảnh báo ứng phó kịp thời đến cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng trong công tác ứng phó với thiên tai, đồng thời tự giác tham gia cùng các ban, ngành của tỉnh, huyện và chính quyền địa phương trong công tác ứng phó và khắc phục do thiên tai.

Đối với tuyến biển, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Giao UBND xã Công Hải có phương án di dời dân ở những vùng xung yếu khi có bão, nước dâng, sóng thần. Phạm vi tìm kiếm cứu nạn tại khu vực biển Bình Tiên sẽ do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp chỉ huy, bố trí 25 người trực 24/24 giờ theo phương châm “4 tại chỗ” trong thời gian xảy ra bão. Đối với các hồ chứa nước đang vận hành, yêu cầu Trạm thủy nông Thuận Bắc chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống lụt bão tại các hồ chứa nước; giao UBND các xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong, Bắc Sơn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia xử lý khắc phục sự cố và di dời người dân sống ở vùng hạ du các hồ chứa nước. Đối với vùng bị ngập lụt, bố trí gần 140 người của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lực lượng công an, quân sự huyện sẵn sàng ứng cứu, di dời dân khi lũ lụt xảy ra. Giao lực lượng Công an huyện phối hợp với trạm 15 C1 Cảnh sát Giao thông tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông thông suốt ở những khu vực trọng điểm, nhất là Quốc lộ 1A.

Ninh Phước: Sau khi có công điện khẩn của UBND tỉnh về công tác ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, ngay trong ngày 2-11, huyện khẩn trương thông báo với các địa phương nhanh chóng huy động phương tiện, trang thiết bị cần thiết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cũng trang bị áo phao, xuồng nhôm, dây thừng… để phục vụ cho đội cứu nạn, cứu hộ khi bão lũ xảy ra.

Đối với các hộ dân sinh sống khu vực hạ du các hồ Tà Ranh, Bàu Zôn, Lanh Ra, huyện phối hợp với các xã bố trí 30 thành viên lực lượng xung kích thường xuyên túc trực, chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn khi bão lũ xảy ra; cắm biển cảnh báo ở những khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở… Ông Phạm Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết: Trên địa bàn thôn Phước Thiện 3 có 1,4 km bờ kè sông Dinh bị sạt lở chưa khắc phục kịp. Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã đã cắm biển cảnh báo, tuyên truyền trên loa phát thanh không nên đi lại ở khu vực này. Đồng thời, bố trí xe cơ giới, máy cày phục vụ công tác ứng phó kịp thời. Tại vùng nuôi tôm xã An Hải, lực lượng xung kích, dân quân tự vệ chủ động nạo vét, khơi thông các kênh mương thoát lũ, tránh tình trạng ngập úng gây thiệt hại cho các hộ nuôi.

Bác Ái: Để chủ động ứng phó diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, sáng 3-11, UBND huyện Bác Ái đã có cuộc họp triển khai nhanh các phương án phòng, chống bão trên địa bàn huyện. Theo đó, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã khẩn trương rà soát, kiểm tra dân cư sống tại các khu vực vùng trũng thấp, bị ngập lũ, vùng dễ bị chia cắt để sẵn sàng và kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn khi có bão đổ bộ trên đất liền hoặc mưa lớn, đồng thời hướng dẫn người dân tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình để giảm thiểu thiệt hại; các khu vực dân vùng hạ lưu, Trạm thủy nông huyện cần phối hợp chặt với chính quyền địa phương thông báo ít nhất 6 giờ trước khi có lệnh xã lũ từ 4 hồ chứa trên địa bàn huyện. Tại một số khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở như: Thôn Núi Rây, xã Phước Chính; thôn Suối Lỡ, xã Phước Thành; tuyến đường Ninh Bình đi Phước Bình; thôn Hành Rạc, xã Phước Bình…, địa phương cũng đã có phương án cắt cử người, bố trí phương tiện và các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ sẵn sàng túc trực 24/24 giờ, để ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, từ 15 giờ chiều ngày 3-11, các xã phải có thông báo liên tục đến người dân không được lên rẫy; kiên quyết không cho người dân hay bất cứ phương tiên nào qua lại các sông, suối khi xuất hiện mưa lớn.

Ninh Sơn: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, sáng ngày 3-11, huyện Ninh Sơn đang ráo riết thực hiện các phương án phòng, chống bão, lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Lãnh đạo địa phương kiểm tra các địa điểm, công trình xung yếu. Ảnh: Lê Thi

Có mặt cùng đoàn kiểm tra của lãnh đạo UBND huyện Ninh Sơn tại 3 xã thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất: Lâm Sơn, Ma Nới, Mỹ Sơn, chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương trong công tác phòng, chống và ứng phó với cơn bão số 12 của cả chính quyền địa phương và Nhân dân. Tại các địa điểm xung yếu như: Suối cầu Gia Chiêu (xã Lâm Sơn), Gò đền Phú Thủy (xã Mỹ Sơn), đập tràn thôn Hà Dài (xã Ma Nới), nhiều hộ dân đã chủ động di dời gia súc, tài sản lên các khu vực cao và cam kết với chính quyền địa phương thực hiện di dời khi có sự điều động. Ngay từ 6 giờ sáng, lực lượng xung kích của huyện đã nhanh chóng có mặt tại các khu vực đập tràn, cầu, khu vực núi, đồi hay sạt lở thực hiện cấm biển báo nguy hiểm, đồng thời, thành lập nhiều tổ bảo vệ nhằm hạn chế người dân qua lại tại các khu vực trên. Đồng thời, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện liên tục phát đi thông báo cho nhân dân về diễn biến cơn báo số 12, tuyên truyền vận động bà con chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản gia đình.

Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Đúng 12 giờ ngày 3-11, công tác chuẩn bị về phòng, chống cơn bão số 12 cơ bản đã hoàn thành. Các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã về các cơ sở, đôn đốc, chỉ đạo nhân dân chằng chống nhà cửa, tỉa chặt cây cối, đặc biệt là công tác vận hành an toàn các công trình thủy lợi, đập hồ do địa phương quản lý để có kế hoạch xả nước hợp lý, hạn chế thiệt hại ở vùng hạ lưu; nắm bắt diễn biến bão 24/24 giờ tại các công trình, địa điểm xung yếu và sẵn sàng các phương án sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bộ CHQS tỉnh: Ứng phó với bão số 12, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai, thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, không để bị động, bất ngờ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân địa phương. Lực lượng vũ trang tỉnh đã khẩn trương tập trung phương tiện, lực lượng sẵn sàng các phương án phòng, chống bão tại cơ quan, đơn vị; phương án hộ đê sông Dinh; cứu hộ, sơ tán nhân dân thuộc 14 địa bàn trọng yếu ở các huyện Ninh Phước và Thuận Nam. Bộ CHQS tỉnh cũng đã phân công từng thành viên phụ trách và trực tiếp chỉ huy công tác phòng, chống lụt bão từng địa bàn huyện, thành phố; đồng thời yêu cầu Ban CHQS các địa phương theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến mưa bão trên địa bàn, kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương phương án phòng, chống lụt bão và di dời dân các khu vực xung yếu, ven sông, ven biển, vùng dễ ngập lụt đến nơi an toàn. Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp, chuẩn bị tốt lực lượng, vật chất, trang bị bảo đảm cho nhiệm vụ phòng, chống lụt bão để sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra.

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, sáng ngày 3-11, các Đồn Biên phòng Cà Ná, Sơn Hải, Ninh Chử, Thanh Hải, Vĩnh Hy tiếp tục chỉ đạo các Trạm kiểm soát Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương và Ban quản lý Các cảng cá đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm và đi vào các khu neo đậu tránh trú an toàn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, kêu gọi các tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh Văn Nỷ

Theo tổng hợp nhanh từ Bộ đội Biên phòng tỉnh, các Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn đã sắp xếp khoảng 2.540 phương tiện tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão an toàn tại các cảng cá, bến cá trong tỉnh. Hiện nay, vẫn còn một số tàu thuyền trong tỉnh đang hoạt động khai thác trên biển, các đơn vị Biên phòng đã liên lạc được với số tàu thuyền này để hướng dẫn các phương tiện vào bờ tránh trú bão.

Nhằm chủ động ứng phó hiệu quả cơn bão số 12, công tác kêu gọi tàu thuyền đang tiếp tục được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai quyết liệt và tập trung phương tiện, lực lượng nhằm đảm bảo các tàu thuyền nắm bắt thông tin diễn biến của thời tiết và chủ động ứng phó bão số 12 khi có tình huống khẩn cấp.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngày 3-11, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2547/SGDĐT-VP về việc thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học do ảnh hưởng cơn bão số 12 năm 2017.

Theo đó, thực hiện Thông báo số 53/TB-UBND ngày 3-11-2017 của UBND tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học do ảnh hưởng cơn bão số 12, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên và cơ sở vật chất trường học trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc khẩn trương thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học vào ngày 4-11. Đối với các cơ sở giáo dục trong tỉnh tạm dừng các hoạt động giáo dục trước 16 giờ ngày 3-11. Riêng các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng trũng thấp, vùng ven biển, nhà trường thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ chiều ngày 3-11.