Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi

(NTO) Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã cùng các địa phương và 4 tổ chức hội, đoàn thể: Nông dân, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi, để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết: Trong 9 tháng năm 2017, NHCSXH tỉnh được Trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 206 tỷ đồng. Để đẩy nhanh công tác giải ngân, đơn vị đã chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện, thành phố phối hợp với các ngành, địa phương và các đơn vị nhận ủy thác thực hiện tốt công tác bình xét, giải quyết các thủ tục, hồ sơ vay nhanh chóng. Nhờ đó, trong 9 tháng đã có 23.808 lượt hộ được vay vốn, với tổng số tiền 539,6 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến ngày 30-9 đạt trên 1.737 tỷ đồng, tăng 142,5 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 235,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

 
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn.  Ảnh: V.M
 

Không chỉ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, việc quản lý, thu hồi lãi và nợ gốc đến kỳ hạn cũng được NHCSXH tỉnh kiểm soát chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, đơn vị luôn chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn bám sát cơ sở để theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp Ban Giảm nghèo các xã, các tổ, nhóm vay vốn phân tích nợ xấu theo từng chương trình tín dụng, phân loại đối tượng có khả năng, không có khả năng thu hồi vốn để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp. Nhờ đó, trong 9 tháng năm 2017, doanh số thu nợ của đơn vị đạt 395,3 tỷ đồng, tăng 49,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, góp phần hạ thấp tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn còn 0,59%.

Hiện nay, NHCSXH tỉnh đang triển khai 15 chương trình tín dụng cho vay. Trong đó, vốn ủy thác thông qua 4 tổ chức Hội: Nông dân, Cựu Chiến binh, Phụ nữ và Đoàn Thanh niên có tổng dư nợ 1.734,3 tỷ đồng, với 73.978 lượt hộ gia đình vay (chiếm 99,8% tổng dư nợ). Về Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), toàn tỉnh hiện có 1.652 tổ. Qua đánh giá chất chượng tín dụng của NHCSXH tỉnh, có 981 tổ không có nợ quá hạn; 1.167 tổ xếp loại tốt (chiếm 70%), 393 tổ xếp loại khá và 67 tổ xếp loại trung bình, số tổ xếp loại yếu 35 tổ (chiếm 2%).

 
Anh Phạm Minh Trung, khu phố 3, phường Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) nhờ vay vốn NHCSXH 
đầu tư trồng cây húng quế đã vươn lên thoát nghèo.

Theo kế hoạch, tổng chỉ tiêu tín dụng còn lại từ nay đến cuối năm của NHCSXH tỉnh là 46,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn địa phương còn gần 4 tỷ đồng và nguồn vốn Trung ương còn 42,8 tỷ đồng, gồm: Cho vay hỗ trợ người nghèo về nhà ở còn 10,5 tỷ đồng; cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ còn 4,3 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm còn 1,8 tỷ đồng... Để kịp thời giải ngân hết nguồn vốn còn lại, theo ông Trần Ngọc Tú, chủ trương của đơn vị tập trung chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn phát huy vai trò chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách về hoạt động tín dụng ưu đãi ở cơ sở. Phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung đã nhận ủy thác. Ngoài các giải pháp trên, NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp Ban Giảm nghèo các địa phương, đơn vị nhận ủy thác đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn còn lại; có biện pháp quyết liệt trong công tác thu hồi nợ, nhất là các xã, hội, đoàn thể, các Tổ TK&VV có nợ quá hạn trên 1%. Tích cực huy động vốn thị trường, huy động tiền gửi từ hộ vay thông qua Tổ TK&VV để bổ sung nguồn vốn cho vay, phấn đấu tỷ lệ số hộ tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV đạt tỷ lệ từ 80% trở lên. Đồng thời, quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo biết cách làm ăn, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn, để nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.