Năm APEC Việt Nam 2017 và những kỳ vọng của Việt Nam

Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm của Diễn đàn APEC. Năm 2006, lần đầu tiên đảm nhận trọng trách chủ nhà APEC, tổ chức thành công hàng trăm hoạt động mà trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 14 và đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC.

Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 họp từ ngày 5 đến 7-10-2013 ở Bali, In-đô-nê-xi-a, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức Năm APEC 2017. Điều này thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nền kinh tế thành viên đối với nước ta.

Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau hơn 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2006, việc một lần nữa đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới. Năm APEC 2017 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn (1998-2018).

Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện.

Việc đăng cai Năm APEC 2017 còn giúp nước ta có thêm những cơ hội mới để tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ và hỗ trợ của APEC phục vụ việc hoàn tất các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước.

Với chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016), việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 là một trọng tâm của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Với ý nghĩa đó, Việt Nam có bốn kỳ vọng lớn:

(1) Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen đối với phát triển, APEC cần tìm kiếm động lực mới thúc đẩy tăng trưởng bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực. Trong đó, then chốt là việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại-đầu tư năm 2020.

(2) Kết quả hoạt động của năm 2007 tiếp tục nâng cao vị thế APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư.

(3) Thông qua Năm APEC 2017 để tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.

(4) Quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại những cơ hội phát triển, quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hiểu biết về Diễn đàn APEC.

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương