Sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh

(NTO) Ngày 10-10-2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1940/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đây là Đề án quan trọng đối với công tác phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn tỉnh. Để tìm hiểu rõ hơn về một số nội dung của Đề án, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.

Đồng chí Lê Bá Phương
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

Phóng viên: Đồng chí cho biết thực trạng trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh ta hiện nay như thế nào?

Đồng chí Lê Bá Phương: Nhìn chung, mạng lưới trường, lớp ở các cấp học đã được bố trí đều khắp các địa bàn trong tỉnh, không còn điểm trắng trong giáo dục, cơ bản phù hợp với quy hoạch, đã huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường, đặc biệt tỷ lệ huy động tại các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng rõ rệt.

Năm học 2015-2016 (thời điểm khảo sát), toàn tỉnh có 309 trường công lập và 216 điểm trường lẻ, tổng số 126.295 học sinh (HS), sinh viên/4.303 lớp. Tuy nhiên, mạng lưới trường, lớp ở một số địa bàn chưa hợp lý hoặc chưa theo quy hoạch được duyệt. Theo đề nghị của UBND các huyện, thành phố thì toàn tỉnh có 62/216 điểm trường thuộc 33 trường của 3 cấp học cần rà soát để có hướng sáp nhập về điểm trường chính, chia tách hoặc thành lập mới.

Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh có 3.276 phòng học; trong đó, phòng kiên cố có 2.241 phòng (tương đương 68,4%), bán kiên cố 947 phòng (tương đương 29%) và phòng học tạm, học nhờ có 88 phòng (tương đương 2,6%) chủ yếu tập trung ở cấp học mầm non (MN). Nhiều trường do thiếu phòng học nên không thể tổ chức học 2 buổi/ngày, so với quy định thì nhiều trường mới chỉ có phòng học nhưng chưa đạt chuẩn; số phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, khu thí nghiệm, thực hành, phòng thư viện… chưa được đầu tư. Tại 39 cơ sở có HS nội trú và bán trú còn thiếu 98 phòng ở ký túc xá. Tại 216 điểm trường lẻ, đa số là phòng học nhà cấp 4, nhiều cơ sở đang học nhờ ở nhà làng, trung tâm học tập cộng đồng, hợp tác xã…, cơ sở vật chất tạm bợ, bàn ghế, bảng đã hư hỏng, phòng học bị dột, nát, tường bị mục, hư cửa, nền bong dộp nhưng không có ngân sách để sửa chữa, có cơ sở vào những ngày trời mưa thì HS phải dồn bàn để học hoặc phải nghỉ học vì nước mưa vào phòng; tuy có phòng học nhưng có hoặc có rất ít sách giáo khoa, sách tham khảo và hầu như không có thiết bị dạy học.

Về đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo các cấp học trên địa bàn tỉnh cơ bản đủ về số lượng, chất lượng đội ngũ đã được nâng lên rõ rệt, số giáo viên đạt chuẩn về trình độ và chuẩn nghề nghiệp tăng cao hơn mặt bằng chung toàn quốc, đủ điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tại thời điểm tháng 7-2016, toàn tỉnh có 7.627 người đang công tác tại cấp học MN, TH và THCS; trong đó: Cán bộ quản lý là 591 người, giáo viên là 5.938 người, nhân viên là 1.098 người; số giáo viên (công lập) đạt chuẩn 99,6%, cao hơn toàn quốc 0,7%.

Phóng viên:Vì sao cần phải sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Bá Phương: Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh thì giai đoạn 2017-2020 sẽ điều chỉnh hợp lý lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục công lập; đảm bảo để thực hiện có hiệu quả các hoạt động giáo dục ở các cấp học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; trường học chuẩn hóa, hiện đại hóa, tăng cường xã hội hóa để giáo dục phát triển đồng đều ở tất cả các cấp học, các vùng, miền trong tỉnh. Cung cấp các dịch vụ giáo dục nhằm tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho tất cả người dân, đáp ứng nhu cầu học tập, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn vững, tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến, làm chủ công nghệ và thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học. Giảm các điểm trường lẻ nếu gần điểm trường chính hoặc đã xuống cấp, chỉ duy trì những điểm trường lẻ do quá xa trường chính, giao thông đi lại khó khăn, địa hình cách trở, dân cư không tập trung; đảm bảo thu hút tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường và được học trong môi trường có đủ các điều kiện dạy và học và an toàn khi đến trường, học tập và về nhà.

Phóng viên: Đồng chí cho biết tiêu chí để thực hiện việc sáp nhập, chia tách và quy định về khoảng cách?

Đồng chí Lê Bá Phương: Về tiêu chí sắp xếp sáp nhập, chia tách và quy định về khoảng cách, đó là:

Đối với điều kiện sáp nhập: Một trường có quá nhiều điểm trường lẻ; điểm trường lẻ gần với trường chính, giao thông đi lại thuận lợi, dân cư tập trung; trường chính có đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận học sinh ở điểm trường lẻ; không làm tăng biên chế, tăng chi ngân sách. Đối với điều kiện chia tách, thành lập mới: Những trường có số lớp vượt quá quy định của Nhà nước; việc thành lập mới chỉ thực hiện ở những thôn, xã, cụm xã chưa có trường hoặc khu vực dân cư đông, những trường hiện tại quá định mức mà không thể tiếp nhận thêm học sinh vào học. Về phương án và lộ trình sắp xếp: Về số điểm trường: Giảm 17 điểm trường tại 4 huyện và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm (không bao gồm huyện Ninh Phước và Thuận Bắc), số điểm trường còn lại là 199 điểm trường lẻ (MN giảm 9 còn lại 152, TH giảm 6, còn lại 47 và THCS giảm 2). Về số trường, đến năm học 2019-2020 sẽ tăng 2 trường so với năm học 2015-2016, tổng số sẽ là 290 trường.

Sau khi sáp nhập, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho phù hợp với quy định hiện hành. Đến năm học 2019-2020 sẽ sáp nhập 31 trường, điểm trường lẻ; thành lập mới 7 trường (dự kiến) và ghép hai điểm trường lẻ (cũ) thành một điểm trường lẻ (mới).

Phóng viên: Để thực hiện Đề án có hiệu quả, ngành GD&ĐT sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

Đồng chí Lê Bá Phương: Để thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học từ nay đến năm 2020, Đề án được duyệt đã thể hiện rõ 5 giải pháp như sau: Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền; huy động nguồn lực, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất; về đất đai; về công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đối với Sở GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đề án; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố thực hiện điều chỉnh lại quy hoạch phát triển GD&ĐT đến năm 2025 và định hướng dến năm 2030; tổng hợp, báo cáo kết quả sắp xếp, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những phát sinh trong quá trình thực hiện; tham mưu tổ chức kiểm tra, tổng kết đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!