Thầy giáo Long đưa chữ về làng

(NTO) Nhắc đến thầy giáo Nguyễn Văn Long (ảnh), Trường TH Phước Chiến (Thuận Bắc), phụ huynh và giáo viên của xã vùng cao Phước Chiến đều mến phục vì lòng yêu trẻ, tâm huyết với nghề; là một trong những giáo viên đầu tiên đưa chữ về làng cho đồng bào Raglai nơi đây.

Hơn 34 năm gắn bó với nghề giáo, thầy giáo Long đã có hơn 20 năm giảng dạy tại xã Phước Chiến. Năm 1985, khi mới đến công tác, điều kiện ở địa phương vô cùng khó khăn, người dân trong xã còn sống rải rác trên núi xa. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, thầy cùng đồng nghiệp và người dân tìm vật liệu xây trường, sau đó vận động học sinh (HS) đến lớp. Việc đến từng gia đình vận động HS đến lớp, đến trường thật sự rất khó khăn, bởi để thay đổi được tập quán sinh hoạt của người dân nơi đây không phải là điều dễ dàng. Nhưng nhờ kiên trì, nhẫn nại, thầy đã giúp người dân hiểu ra những lợi ích, ý nghĩa của việc đến trường. Được phụ huynh ủng hộ, sau những buổi dạy chữ cho HS trên lớp, thầy tham gia lớp “bình dân học vụ” vào buổi tối, đưa con chữ đến với bà con nơi đây. Trong những lần vượt suối, leo núi để vận động HS đi học, thầy nhớ nhất trường hợp em Chamaléa Nghiệp, là HS tích cực của trường, nhưng bạn bè rủ đi làm kiếm tiền, em đã mang sách vở trả lại cho nhà trường. Qua trao đổi, thầy nhận ra em Nghiệp vẫn còn ham muốn học nhưng vì lời hứa với bạn, vậy là thầy nhỏ nhẹ giải thích, động viên khiến em Nghiệp hiểu ra và trở lại lớp học.

Thầy giáo Nguyễn Văn Long.

Là một giáo viên có kinh nghiệm trong nghề, thầy có những “bí quyết” giúp HS tiếp thu bài học nhanh. Để hiểu HS Raglai, thầy học tiếng của đồng bào, luôn lắng nghe tâm tư, ý kiến của HS để chia sẻ, giúp các em vượt qua khó khăn. Vào đầu năm học, nhà trường thường tổ chức kiểm tra chất lượng, biết được năng lực của từng HS, thầy giao bài tập phù hợp với từng em. HS nào hoàn thành sẽ được khen thưởng, những em chưa làm tốt được thầy động viên, khích lệ. Thầy giáo Nguyễn Văn Long chia sẻ: HS Raglai còn nhút nhát, rụt rè, các giáo viên cần hiểu tâm lý đó, luôn phải gần gũi, mềm mỏng, khích lệ để các em có động lực, mạnh dạn xây dựng bài học. Nhằm giúp HS dễ dàng tiếp thu bài, trong cách dạy, thầy luôn trò chuyện với HS, tập cho các em thói quen đọc, viết, trình bày bài học, chủ động phát biểu xây dựng bài.

Vì đã gắn bó, trải qua những khó khăn cùng Trường TH Phước Chiến từ những năm đầu tiên, nên khi thấy nhà trường có nhiều sự đổi mới, thầy giáo Long không khỏi xúc động. Khác với xưa, bây giờ việc học chữ được người dân quan tâm, họ chủ động đưa con em đến trường và phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em. Thầy giáo Long phấn khởi: Trong năm học này, không chỉ trường được đầu tư xây mới khang trang, cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị dạy học đảm bảo, mà còn có sự thay đổi quan trọng trong nội dung chương trình. Cụ thể, đây là năm đầu tiên Trường TH Phước Chiến đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy cho HS từ khối lớp 3 đến khối lớp 5 và tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Với đổi mới này, nhà trường kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dạy và học, thu hút HS đến trường, góp phần giảm tỷ lệ HS bỏ học ở địa phương.

Cô giáo Doãn Thị Ân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là giáo viên lâu năm, thầy giáo Long rất nhiệt tình, tâm huyết với nghề, hết lòng yêu thương học trò. Trong các hoạt động phong trào của ngành, của trường, thầy giáo luôn gương mẫu, đi đầu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì thế, thầy luôn được giáo viên, HS và phụ huynh tin yêu, kính trọng.