Tăng cường “bơm vốn” cho nền kinh tế của tỉnh

(NTO) Nhìn lại hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2017 cho thấy, tổng doanh số cho vay mà các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh ước đạt 21.200 tỷ đồng, tăng 1.582 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 8,06%.

Trong đó, dư nợ cho vay phát triển ngành nông nghiệp-thủy sản đạt 4.250 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,45%, tăng 674 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 18,85%); công nghiệp-xây dựng 2.620 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,69%, tăng 415 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 18,82%); thương mại-dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng đạt 9.830 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,86% trong tổng dư nợ, tăng 1.290 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 15,11%) so với cùng kỳ. Kết quả trên đã góp phần nâng tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9-2017 đạt hơn 16.700 tỷ đồng, tăng 2.379 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 16,61%) so với cùng kỳ và đạt 70,9% kế hoạch.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Ninh Thuận. Ảnh: V.T

Không chỉ tăng cường “bơm vốn” đáp ứng tốt nhu cầu vay của khách hàng, các TCTD còn chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất huy động và cho vay. Nhờ vậy, ước tính đến cuối tháng 9, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt hơn 10.150 tỷ đồng, tăng 15,46% so với cùng kỳ và đạt 95,5% kế hoạch năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư ước đạt 7.450 tỷ đồng, chiếm 73,4% trong tổng nguồn huy động, tăng 834 tỷ đồng so với cùng kỳ; tiền gửi thanh toán ước đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 11,32% và phát hành giấy tờ có giá chiếm 3,45%. Từ nguồn vốn huy động được, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đầu tư hiệu quả vào các dự án, chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh và theo các chính sách của Chính phủ. Cụ thể: Đối với đầu tư tín dụng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh số cho vay ước đạt 5.460 tỷ đồng, tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng dư nợ đến nay đạt 5.220 tỷ đồng/41.200 khách hàng và tăng 1.025 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 24,4%) so với cùng kỳ. Cho vay theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dư nợ ước đạt 3.510 tỷ đồng/101.100 khách hàng, tăng 315 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dư nợ đến cuối tháng 8 đạt 97,07 tỷ đồng/2 khách hàng là Công ty THHH Thủy sản Thông Thuận và Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa–Phan Rang, với số lãi hỗ trợ trong 8 tháng năm 2017 là 2,695 tỷ đồng. Cho vay xuất khẩu ước đến cuối tháng 9 đạt dư nợ 980 tỷ đồng, tăng 175 tỷ đồng so với cùng kỳ và tăng 165 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đến cuối tháng 9-2017 đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 8,68%) so với cùng kỳ...

Đáng ghi nhận trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của hệ thống ngân hàng tỉnh ta thời gian qua là đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong 9 tháng qua, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 115 hợp đồng tín dụng/24,64 tỷ đồng, nâng lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP từ tháng 5-2012 đến ngày 31-8-2017 là 5.711 hợp đồng tín dụng/1.886 tỷ đồng. Ngoài ra, các TCTD còn xem xét miễn, giảm lãi vay cho 42 hợp đồng tín dụng, với số lãi được miễn giảm hơn 3 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên 6.860 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp chiếm 54% và hộ vay chiếm 46%. Đặc biệt, thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, trong 9 tháng qua, ngành Ngân hàng đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hội nghị gặp gỡ, đối thoại và kết nối ngân hàng–doanh nghiệp đợt đầu năm 2017. Tại hội nghị, 4 chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng với 14 doanh nghiệp, với số tiền cam kết cho vay 1.720 tỷ đồng. Trong đó, số tiền cam kết cho vay các dự án đầu tư trung, dài hạn như: Dự án Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha 1 và 2, Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Sông Ông, Dự án mở rộng công suất Nhà máy Thủy điện Đa Nhim giai đoạn 2… là 917 tỷ đồng, đến ngày 31-8, các NHTM đã giải ngân được 760 tỷ đồng, đạt 44,2% số tiền cam kết cho vay. Hiện nay, các NHTM trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, xác định đối tượng doanh nghiệp đang có khó khăn để có biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý.

Có thể nói, nhờ bám sát tinh thần chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh, trong 9 tháng năm 2017, hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng đã có chuyển biến tích cực, trong đó dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng khá cao với 53,59% so với mức tăng trưởng chung, đạt 8.950 tỷ đồng và tăng 1.541 tỷ đồng so với cùng kỳ; dư nợ ngắn hạn đạt 7.750 tỷ đồng, chiếm 46,41% trong tổng dư nợ, tăng 838 tỷ đồng so với cùng kỳ và tăng 643 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Về chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện, ước đến cuối tháng 9-2017 nợ xấu trên địa bàn 190 tỷ đồng, chiếm 1,14%, so với tổng dư nợ, giảm 0,16% so với cùng kỳ năm 2016, điều đó phản ánh nền kinh tế của tỉnh đang phát triển ổn định và triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Từ thực tế hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh, ngành Ngân hàng xác định, từ nay đến cuối năm, tập trung thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động các TCTD phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như: Triển khai hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện các chính sách và chương trình tín dụng trọng điểm theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24-4-2017 của NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ... Cùng với đó, NHNN tỉnh còn chỉ đạo các TCTD kết hợp triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với các giải pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng. Tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế”, Đề án “Thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn”. Phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ và thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về thu đổi, mua bán ngoại tệ; sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp, quy định mua bán vàng miếng của các TCTD.... theo tinh thần chỉ đạo của NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng ổn định sản xuất, kinh doanh.