Thuận Bắc: Thực hiện tốt chính sách giao rừng khoán quản cho đồng bào dân tộc thiểu số

(NTO) Trong những năm qua, chính sách giao rừng khoán quản cho đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Thuận Bắc triển khai thực hiện đạt kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho bà con, quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ rừng (BVR) của đồng bào, ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng tự phát. Ông Hoàng Lộc, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Trâu cho biết: Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số các xã có rừng thường khai thác cây rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất, vì vậy tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng làm rẫy xảy ra nhiều. Việc giao khoán rừng cho bà con đã góp phần không nhỏ trong công tác BVR, đặc biệt là hạn chế tình trạng lấn chiếm đất làm rẫy; đồng thời, giúp lực lượng chức năng nắm thông tin nhiều hơn về đối tượng chặt, phá rừng.

 
Cán bộ Trạm Bảo vệ rừng xã Phước Kháng thường xuyên kiểm tra khu vực rừng quản lý. Ảnh: Tiến Mạnh

Toàn huyện có hơn 600 hộ tham gia nhận rừng khoán quản với diện tích 3.298,67 ha, đạt 100% kế hoạch; trong đó có 2.704,93 ha rừng tự nhiên và 593,74 ha rừng trồng, chủ yếu tập trung tại 3 xã: Phước Chiến, Phước Kháng, Công Hải. Từ khi triển khai thực hiện chính sách giao rừng khoán quản, huyện thường xuyên tuyên truyền về công tác BVR, vận động bà con tham gia BVR, ký kết không vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Các địa phương đều thực hiện đầy đủ, kịp thời việc thanh toán các chế độ cho các hộ với mức chi trả bình quân 200-300 ngàn đồng/ha/năm, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Để thu hút bà con Raglai tham gia vào chính sách giao rừng khoán quản, đơn vị chủ rừng đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho bà con có thêm thu nhập như: Trồng rừng phòng hộ, rừng hỗ trợ sản xuất và trồng cây phân tán. Theo đó, đơn vị trồng 42 ha rừng tại xã Công Hải và khu vực lòng hồ Sông Trâu, sử dụng 100% nhân công phát dọn và trồng rừng đều là đồng bào Raglai; đối với trồng rừng hỗ trợ sản xuất, đơn vị hỗ trợ giống cây (neem, điều, mít và cây bản địa), kỹ thuật, đất trồng rừng cho các hộ nhận khoán quản rừng...

Bên cạnh đó, đơn vị chủ rừng còn phối hợp với các gia đình được giao rừng thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định về BVR, giúp bà con nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ bản thân đối với công tác BVR; đồng thời, phối hợp với các gia đình nhận rừng tổ chức kiểm tra, giám sát, tuần tra truy quét, phân công trực cao điểm phòng cháy, chữa cháy tại các tiểu khu... Qua đó, ngăn ngừa những tác động xâm hại đến rừng. Anh Chamaléa Dũng, Tổ trưởng Tổ cộng đồng rừng khoán quản thôn Đá Liệt (Phước Kháng) cho biết: Từ khi nhận rừng khoán quản, bà con đã nâng cao nhận thức trong việc BVR, không chặt phá rừng như trước đây, đồng thời có thêm thu nhập từ nhận rừng khoán quản. Tổ cùng với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra diện tích rừng giao khoán; khi được phân công trực, các hộ trong tổ luôn thực hiện tốt.

Vào mùa khô, các đơn vị chủ rừng tổ chức hướng dẫn nhân dân đốt dọn nương rẫy phù hợp với diễn biến thời tiết theo cấp dự báo cháy rừng và nhắc nhở, vận động các hộ ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, hầm than, khai thác lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ rừng thành lập 5 tổ chuyên trách với 50 thành viên, thực hiện trực phòng cháy, chữa cháy rừng theo cấp dự báo tại 5 điểm thôn: Suối Le, Cầu Đá (xã Phước Kháng); Đầu suối B, Tập Lá (xã Phước Chiến) và Suối Vang (xã Công Hải).

Với những kết quả nêu trên, cho thấy chính sách giao rừng cho các hộ đồng bào Raglai đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác BVR của địa phương. Việc giao rừng không những nâng cao nhận thức của bà con trong BVR, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân trang trải cuộc sống, mà còn giúp các đơn vị chủ rừng giải quyết được những khó khăn trong việc quản lý, BVR.